Theo ông Đoàn Ngọc Khuyên ở xã Cẩm Lĩnh, trước đây, gia đình chỉ nuôi cá truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2015, gia đình ông chuyển 3,5ha sang nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Nuôi cá theo phương pháp này ít bị bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 25-30 tấn cá, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, cao gấp 2 lần so với nuôi cá truyền thống.
Còn ông Phạm Ngọc Thanh ở xã Phú Châu cho hay, trước đây, gia đình nuôi các loại cá truyền thống nhưng tốc độ tiêu thụ chậm. Năm 2021, gia đình chuyển sang nuôi cá lăng theo hướng an toàn, sau 7 tháng, với diện tích hơn 600m2 đã cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Do đầu ra thuận lợi nên cách nuôi thả này đang được các hộ nuôi trồng thủy sản nghiên cứu mở rộng diện tích...
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, toàn huyện Ba Vì có khoảng 1.900ha ao, hồ mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Đồng Thái, Phú Châu, thị trấn Tây Đằng và các xã ven sông Tích… Nhờ đổi mới, đa dạng hình thức và đối tượng nuôi trồng nên các địa phương đã gia tăng sản lượng, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… nên đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn so với nuôi theo phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả rõ rệt, việc nuôi thủy sản theo hướng VietGAP vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Tân Mai (xã Vạn Thắng), nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong ghi chép nhật ký chăm sóc nên nhiều hộ dân chưa kiên nhẫn duy trì mô hình này. Sản phẩm của các hộ chăn nuôi thủy sản chưa có thương hiệu, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán tươi sống, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao… dẫn tới việc mở rộng diện tích còn khó khăn. Để phát huy hiệu quả mô hình này, các ngành chức năng cần hỗ trợ người dân, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp xây dựng kênh tiêu thụ ổn định, bền vững.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Lập - hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Vạn Thắng kiến nghị các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu thủy sản Ba Vì để nâng cao giá bán ra thị trường; hỗ trợ về vốn cũng như xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ổn định…
Để thúc đẩy việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị của ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nuôi, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ nhằm giảm bớt khâu trung gian, giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm. Mặt khác, huyện tiếp tục hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại các kênh phân phối như: Siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chợ đầu mối; tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, tạo thuận lợi cho người dân trong việc mở rộng quy mô sản xuất theo hướng an toàn nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.../.
TA (Theo Báo HNM)