Anh Định lớn lên ở vùng nông thôn quê hương Hà Tĩnh, vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp không được thuận lợi, công việc vất vả nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2004 anh Định theo một người quen vào Nam tìm kiếm cơ hội đổi đời, Khi đến ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bằng con mắt nhà nông, anh thấy vùng đất này phù hợp với việc canh tác nông nghiệp. Anh quyết định thuê một sào đất (1.000m2) để trồng trọt, chăn nuôi mong hy vọng cuộc sống thay đổi. Vừa làm vườn vừa học hỏi qua chuyên mục bạn nhà nông trên báo, đài, ti vi. Khi biết tỉnh Ninh Thuận có phong trào nuôi dê phát triển. Thịt dê Ninh Thuận lại được tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi, anh tìm đến tham quan, học cách chăm sóc, đặt mua con giống về đóng chuồng thả nuôi. Lúc đầu vì chưa có nhiều kinh nghiệm anh chỉ duy trì đàn dê vài chục con, sau thời gian nuôi thấy hiệu quả đặc biệt là thịt dê có thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định. Qua năm 2016 anh tăng đàn dê lên tới con số trăm, trong đó có cả dê thịt và dê giống.
Nuôi dê nhốt chuồng không phải đầu tư nhiều vốn, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo thời gian, có vốn tích lũy, lấy ngắn nuôi dài anh đầu tư mua đất trồng tiêu kết hợp sử dụng cành cây trụ tiêu làm thức ăn chính cho dê. Xác định nghề nuôi dê phát triển bền vững, dê thịt và dê giống có thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả ổn định anh thay đổi quy mô chăn nuôi, từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay đàn dê của gia đình anh có khoảng 500 con. Có thời điểm lên 700 con được nuôi nhốt trên diện tích sàn khoảng 1.000m2 chuồng. Mỗi năm gia đình thu lợi ổn định khoảng 1 tỷ đồng.
Anh Định cho biết kỹ thuật nuôi dê rất đơn giản. Chuồng dê có thể làm bằng tre hoặc gỗ, chiều ngang 1,8 m, chiều dài 2,5 m; sàn chuồng cách mặt đất từ 0,5 - 0,8 m. Chuồng nuôi được thiết kế theo dãy dê sinh sản, dê nuôi con và dê vỗ béo. Chuồng đặt ở nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Nền chuồng phẳng, nhẵn để dễ vệ sinh, có rãnh thoát phân và nước tiểu. Phân dê được thu gom đóng bao ủ hoai với nấm Trichoderma làm phân bón cho cây tiêu.
Sau nhiều năm nuôi dê, anh Định đúc kết được điều quan trọng trước tiên là có được con giống tốt. Vì vậy mà cơ sở của anh chỉ nuôi giống dê lai (Dê Boer lai với dê Bách Thảo). Đây là giống dê được lai tạo giữa dê Boer đực thuần có nguồn gốc từ Mỹ và dê cái Bách Thảo Việt Nam với khả năng tăng trưởng nhanh, mắn đẻ, chất lượng thịt và giá bán cao, được thị trường ưa chuộng. “Thức ăn cho dê chủ yếu là lá cây trụ sống của cây tiêu trên vườn (cây xà cừ, cây bông gòn). Thức ăn được cắt nhỏ để dê ăn hết cả phần lá và phần cuống cứng. Vào mùa khô trồng thêm cỏ dứa. Bổ sung các loại thức ăn tinh như cám gạo, bắp ủ, bột cá, bột sò, chế phẩm sinh học, thỉnh thoảng cho thêm vitamin để dê đủ dinh dưỡng”. anh Định chia sẻ.
Theo cách hạch toán riêng của anh Định nuôi một con dê mỗi ngày cho anh lợi nhụận khoảng 8.000 đồng. Nếu không sử dụng thức ăn tinh thì lợi nhuận tăng lên 9.000 đồng. Như vậy, với thời gian nuôi trung bình khoảng 7 - 8 tháng mỗi con dê thịt xuất bán cho thương lái tại chuồng sau khi trừ hết chi phí anh thu lãi khoảng 2 triệu đồng. Với 1.000m2 sàn chuồng mỗi năm anh xuất bán dê thịt khoảng 500 con thu lãi cả tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Thủy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp chia sẻ, mô hình kết hợp cộng hưởng sinh lợi kép giữa nuôi dê và trồng tiêu hiệu quả rõ rệt. Công cắt lá cành cây trụ một việc làm nhưng giải quyết được hai vấn đề. Cây trồng giảm được nguồn chi phí mua phân nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Đặc biệt là mô hình nông nghiêp sản xuất theo hướng hàng hóa tuần hoàn khép kín của gia đình anh Định rất bền vững, thân thiện môi trường./.
Trọng Hoàng – TTKN Bà Rịa – Vũng Tàu