Vực kinh tế từ nuôi bò sữa
Với diện tích 2ha vườn của gia đình, năm 2014, ông Lê Văn Thạnh (49 tuổi, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) bắt tay vào phát triển đồng cỏ, chăn nuôi bò sữa.
Theo đó, vào thời gian này, gia đình ông đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng khu trang trại và lắp đặt các hệ thống máy móc, trang thiết bị.
Sau khi hoàn tất cơ sở hạ tầng chăn nuôi, ông đến các trang trại tại địa bàn để mua 10 con bò sữa với giá mỗi con 80 triệu đồng về nuôi.
Sau 5 tháng nuôi, nhận thấy việc phát triển mô hình có hiệu quả, gia đình ông Thạnh tiếp tục bỏ vốn mua thêm 5 bò sữa về chăn nuôi. Có đàn bò với khoảng 10 con cho vắt sữa, gia đình ông này sau đó cũng được một công ty ký hợp đồng bao tiêu sữa nguyên liệu với mức giá từ 12.000 - 14.000 đồng/lít.
Chủ trang trại cho biết, quy trình chăn nuôi được hoàn thiện, bò mẹ đẻ bò con nên hiện nay trang trại chăn nuôi của gia đình có tổng đàn trên 70 con. Trong số này có khoảng 35 con cho khai thác sữa với năng suất trung bình 20 lít/con/ngày. Quy mô đồng cỏ cũng được gia đình ông này đầu tư, mở rộng lên thành 3ha.
Việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao nên đến năm 2020, ông Lê Văn Thạnh đã liên kết với một doanh nghiệp tại TP.HCM thành lập trạm thu mua sữa cho khoảng 70 hộ dân tại địa phương. “Mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng 6 - 7 tấn sữa cho bà con nông dân và sắp tới chúng tôi mở thêm trạm thu mua sữa tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng”, ông Lê Văn Thạnh thổ lộ.
Tối ưu hóa sản xuất bằng phân trùn quế
Không dừng lại ở việc tập trung phát triển mô hình chăn nuôi, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sữa, ông Lê Văn Thạnh hướng đến thực hiện quy trình nông nghiệp tuần hoàn.
Ông cho hay, việc xử lý phân bò trong quá trình chăn nuôi luôn là vấn đề hệ trọng ở các trang trại. Để thay đổi quy trình xử lý truyền thống như chất đống, bán tươi cho các hộ trồng trọt làm phân bón, ông Thạnh học hỏi và thực hiện mô hình sản xuất phân trùn quế.
Năm 2021, nông dân này “khăn gói” về huyện Củ Chi (TP.HCM) tham quan một số cơ sở sản xuất phân trùn quế rồi về Lâm Đồng làm thử
Theo đó, ông Thạnh tận dụng khu chuồng trại chăn nuôi cũ để xây dựng các ô nuôi với tường cao khoảng 50cm, rộng khoảng 3m và dài 5-10m. Ở khu nuôi này, ông tráng đáy nền để kiểm soát về độ ẩm, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho trùn phát triển.
Chủ trang trại chia sẻ: “Nguồn phân bò tươi tại trang trại được chuyển đến khu vực tập kết để xử lý vi sinh và ủ từ 10-15 ngày. Sau thời gian này sẽ tổ chức xáo trộn, tưới vi sinh và ủ thêm 10 ngày rồi chuyển vào ô nuôi làm thức ăn cho trùn quế.
Sau 3 tháng, toàn bộ phân bò, phế phẩm nông nghiệp được trùn quế xử lý, tạo ra nguồn phân bón tốt cho cây trồng. Đặc biệt, quá trình xử lý này không phát thải mùi hôi thối nên đảm bảo về môi trường”.
Hiện nay, mô hình nuôi trùn quế được gia đình ông Lê Văn Thạnh đầu tư, mở rộng lên 1.000m2. Với quy mô này, mỗi ngày có thể xử lý khoảng trên 2 tấn phân bò, phế phẩm nông nghiệp.
Ông Thạnh nói, nhờ mô hình nuôi trùn quế mà toàn bộ phân bò tại khu trang trại chăn nuôi được xử lý triệt để, tránh được tình trạng tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Nguồn phân trùn quế sau đó được gia đình dùng bón cho vườn cỏ. Một phần, gia đình khử ẩm, đóng gói và cung ứng ra thị trường.
Chủ trang trại cho biết: “Hiện nay 1 số hộ chuyên trồng rau ở TP Đà Lạt và huyện Đơn Dương đã đặt hàng phân trùn quế của trang trại để áp dụng sản xuất. Trung bình, mỗi tháng chúng tôi bán ra thị trường khoảng 10 tấn với mức giá khoảng 6.000 - 6.500 đồng/kg”./.
NB (Theo nongnghiep.vn)