Kết thúc năm 2019, sản xuất nông nghiệp của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng dù còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bước vào đầu năm 2020, ngoài việc tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, tình hình dịch bệnh...thì sự xuất hiện, diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế của tỉnh trong đó có lĩnh vưc nông nghiệp. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ yếu là nông, thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn trong quý I/2020, giai đoạn đầu là thị trường Trung Quốc, sau đó là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và từ đầu tháng 3 là thị trường Mỹ, EU và ASEAN. Tại Quảng Ninh, do ảnh hưởng của dịch bênh Covid-19 nên phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa. Đồng thời sản lượng tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh dẫn tới việc tiêu thụ lượng nông, lâm, thủy sản đến thời điểm thu hoạch gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình trên, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản đã được các đơn vị, sở, ngành của tỉnh đưa ra để từng bước giảm thiểu những thiệt hại kinh tế. Đặc biệt từ tháng 3, tại các cửa khẩu đã khôi phục thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa, ổn định thị trường xuất nhập khẩu nông sản, như: (1) Đối với thị trường xuất khẩu: Tại cửa khẩu Bắc Luân II, lượng hàng hóa thông quan có dấu hiệu tăng nhanh từ đầu tháng 3, hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm sợi, mít sấy khô, xoài sấy khô, soài dẻo; Tại lối mở Km 3+4 (Hải Yên) đã khôi phục thông quan từ 25/2/2020, các mặt hàng giới hạn ban đầu là hoa quả, thủy sản tươi sống, nông sản; từ 15/3 đến nay đã thông quan thêm các mặt hàng ướp đá và mở rộng thành phần các loại nông sản xuất khẩu. (2) Đối với thị trường trong nước: Các cấp, ngành tích cực đưa các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và kêu gọi người dân chung tay cùng chia sẻ với các hộ sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh thông qua việc lựa chọn tiêu thụ nông sản của tỉnh. Do đó, kết quả phát triển sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh quý I/2020 đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2019-2020 là 32.530,9ha, đạt 94,6% so với kế hoạch, bằng 100,8% so với cùng kỳ.
Trồng rừng tập trung ước đạt 2.316ha đạt 21% kế hoạch, bằng 94,9% so với cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác 86.588 m3 , đạt 24% kế hoạch, bằng 101,3% so với cùng kỳ.
Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có: đàn trâu 38.085 con, bằng 81,6% so với cùng kỳ; đàn bò 28.310 con, tăng 5,2% so với cùng kỳ; đàn lợn 265.200 con, bằng 61,8% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 3.850 nghìn con, tăng 5% so cùng kỳ.
Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 31.460 tấn, đạt 23,1% so với kế hoạch, bằng 102,8% so với cùng kỳ (khai thác 16.860 tấn, đạt 24,8% kế hoạch, bằng100,1% so với cùng kỳ; nuôi trồng 14.600 tấn, đạt 21,5% kế hoạch, bằng 106,1% so với cùng kỳ).
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện tại cơ bản đã có các giải pháp linh hoạt để duy trì tốc độ tăng trưởng theo kịch bản tại Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 28/2/2020 của UBND tỉnh giao cho ngành và trên cơ sở kết quả tăng trưởng quý I, ngành Nông nghiệp đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần tập trung để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm như: (1) Cơ cấu lại nội bộ ngành, tập trung sản xuất theo chuỗi liên kết; thúc đẩy tái đàn lợn, tăng cường chế biến trong lĩnh vực thủy sản, phát triển Chương trình OCOP và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, yêu cầu thị trường; (2) Kích cầu tiêu thụ nông sản, thủy sản trong đó quan tâm thị trường trong tỉnh, thị trường nội địa và chủ động tìm kiếm các thị trường mới, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại để mở rộng xuất khẩu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT có ý kiến với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để bổ sung danh mục một số mặt hàng nông sản của Quảng Ninh; (3) Đồng hành cùng doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh việc hỗ trợ các thủ tục thu hút một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thu hút các tổ chức, cá nhân phát triển 19 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhanh chóng nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh để kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; (4) Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh, trong đó tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030; (5) Triển khai thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020; quản lý chặt và từng bước nâng cao chất lượng 196 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận 3-5 sao và 30-40 sản phẩm dự kiến đạt 3-5 sao trong năm 2020; (6) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế các sản phẩm địa phương, tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi đại gia súc; khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và nâng công suất bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản./.
Minh Trí