Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nông nghiệp Hà Nội: Lấy công nghệ cao làm đột phá

Năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, trong đó lấy công nghệ cao làm đột phá nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp giá trị cao và phát triển bền vững.



Chia sẻ về mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2021, sản xuất nông nghiệp tiếp tục theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất theo chuỗi giá trị với cơ cấu các lĩnh vực sản phẩm chủ lực có chất lượng, tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, phát triển nông nghiệp làng nghề kết hợp du lịch trải nghiệm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Năm 2021, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 4,2% trở lên; thu nhập bình quân của nông dân đạt 58 triệu đồng/người/năm” – ông Chu Phú Mỹ thông tin.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng nhận định rõ những khó khăn, thách thức phải đối mặt như: Biến đổi khí hậu; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu không ổn định; sản phẩm nông nghiệp chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Mặt khác, xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp thực hành tốt (VietGAP, GlobalGAP) đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp.

Đáng nói, Hà Nội đang trong quá trình công nghiệp hóa, phát triển đô thị theo chiều rộng, tất yếu dẫn đến việc giảm khá lớn diện tích đất đai và tài nguyên nước của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế vì điều kiện đất đai, cơ chế chính sách khuyến khích chưa thực sự hấp dẫn; đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở cả trong nước và thế giới.

Đa dạng các sản phẩm chất lượng cao

Theo ông Chu Phú Mỹ, trên mỗi lĩnh vực, nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh. Đối với trồng trọt, duy trì 62% diện tích lúa chất lượng cao, trong đó chủ lực là lúa chất lượng cao, tăng cơ cấu giống lúa Japonica để phục vụ tiêu dùng trong TP và xuất khẩu. Cùng với đó, duy trì 7.200ha hoa, cây cảnh với các giống chủ lực như hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, các giống hoa mới nhập khẩu...; đầu tư hình thành các vùng tập trung (quy mô từ 20 - 50ha trở lên) ứng dụng công nghệ cao. Đối với cây ăn quả, TP duy trì 22.350ha, tập trung phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản của Hà Nội.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội chú trọng phát triển theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi trong các DN, hợp tác xã, trang trại, gia trại có quy mô lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Cụ thể, năm 2021, Hà Nội sẽ phát triển đàn lợn khoảng 1,8 triệu con trở lên, đàn bò khoảng 150.000 con… TP sẽ phát triển con giống năng suất, chất lượng cao hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp con giống cho các địa phương khác.

Về thủy sản, TP duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24.000ha, nâng sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 124.000 tấn (tăng 6,4% so với năm 2020). Đồng thời phát triển các vùng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng với các giống có giá trị cao.

"Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện cho các DN phát triển chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm." - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ./.

Theo Báo KTĐT