Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nông dân Hà Nội ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Thời gian qua, nhiều nông dân Hà Nội đã tự tìm tòi, đưa khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế cao. Từ đó, đã và đang góp phần hình thành nên một nền nông nghiệp 4.0 của Hà Nội.



Một thế hệ nông dân Thủ đô giàu tri thức

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà là một trong những nông dân thế hệ mới, trẻ tuổi, dám nghĩ dám làm, dám theo đuổi ước mơ, đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng mới. Theo bà Bùi Thị Thanh Hà, với vốn kiến thức về nông nghiệp được đào tạo bài bản, cùng với tham quan, học tập các mô hình điểm, bà đã mạnh dạn đầu tư 6 nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích lên tới 10.000m2 để sản xuất rau mầm. Rau được sản xuất trên dây chuyền giá thể đồng bộ, có sự theo dõi sát từ khi xuống giống đến khi thu hoạch.

Không chỉ sản xuất ở Hà Nội, bà còn mở rộng vùng trồng ra các tỉnh bạn. Mỗi năm, hợp tác xã do bà làm chủ đã cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn rau mầm các loại, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Doanh thu từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao của bà đạt khoảng 4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.

Với niềm đam mê nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Xuân Nghĩa (thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) cũng thành công với mô hình trồng rau, dưa lưới trong nhà kính. Trung bình mỗi năm, mô hình này cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

Theo anh Nghĩa, trước đây, anh cũng như bao nông dân khác, chủ yếu sản xuất, canh tác nông nghiệp ngoài trời, mỗi khi thời tiết không thuận lợi, rau màu sẽ bị ảnh hưởng, năng suất thấp. Sau khi đề đạt nguyện vọng của mình về mô hình trồng rau trong nhà kính với chính quyền địa phương, anh Nghĩa đã được huyện Ứng Hòa ủng hộ, tin tưởng giao thí điểm làm mô hình. Mô hình 5.000m2 được đầu tư ban đầu khoảng 1,7 tỷ đồng.

Sau một thời gian học hỏi, rút kinh nghiệm từ các mô hình trong khu vực, anh Nghĩa đã tìm ra giải pháp và trồng thành công không chỉ rau màu thông thường, mà cả các loại cây trồng khó tính như dưa lưới, dưa hoàng hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với những thành tích đó, anh Nguyễn Xuân Nghĩa đã vinh dự được nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố giai đoạn 2015-2019 và các năm: 2020, 2021, 2022.

Hay tại huyện Đông Anh, mô hình chăn nuôi, ấp nở gia cầm ứng dụng công nghệ cao của ông Hoàng Mạnh Ngọc cũng là một trong những mô hình điển hình của địa phương và thành phố. Với công nghệ nhân giống bằng phương pháp “Thụ tinh nhân tạo gà”, giúp chủ trại chủ động chọn được giống tốt, trang trại gà của ông Ngọc là địa chỉ tin cậy, đưa giống chất lượng cao tới hàng ngàn hộ dân trong và ngoài địa phương. Mô hình sản xuất giống gia cầm của gia đình ông có diện tích 12.000m2, sản lượng đạt 1,6 vạn con/ngày, tổng doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 30 lao động, với thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Lực lượng nòng cốt xây dựng nông nghiệp công nghệ cao

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, để tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập, huyện đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng các mô hình, dự án và chuyển giao cho nông dân. Từ đó, huyện đã và đang hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị ở các xã, thị trấn.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, trước đây, nói tới nông dân là nghĩ tới chân lấm, tay bùn, một nắng hai sương, thì nay, với thế hệ nông dân công nghệ, không chỉ có nhà lầu, xe hơi, mà họ còn đóng góp kiến thiết, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, Hà Nội đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân giàu tri thức, giàu nghị lực, sẵn sàng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Nông dân ngày nay, thay vì “trông trời, trông đất, trông mây…”, họ sử dụng cảm biến độ ẩm đất để xác định lượng nước cần cho mỗi loại cây trồng, giúp tiết kiệm tài nguyên nước và tăng năng suất. Họ cũng sử dụng hệ thống theo dõi trang trại thông qua ứng dụng di động để kiểm soát và quản lý việc sản xuất từ xa, tiết kiệm thời gian và công sức. Họ không chỉ giúp gia tăng năng suất và bảo vệ môi trường, mà còn cung cấp thực phẩm sạch và an toàn cho cộng đồng đô thị.

Một thế hệ nông dân mới của Hà Nội đang hình thành, họ không chỉ đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, mà họ còn giàu tri thức, có ước mơ, hoài bão, sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm của họ cho thế hệ nông dân trẻ hơn nữa./.

NB (Theo Báo HNM)