Hiện nay nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi/tháng, thịt bò 5.230 tấn/tháng, thịt gà 5.200 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 5.050 tấn/tháng… Để đáp ứng được nhu cầu đó, trong những năm qua ngành chăn nuôi thành phố luôn quan tâm đến vấn đề làm sao để sản xuất ra những sản phẩm thịt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, vấn đề mất an toàn thực phẩm đang diễn ra phổ biến với nhiều hình thức khác nhau, có thể do lỗi chủ quan và khách quan của người tiêu dùng sản phẩm cũng như cơ sở trực tiếp sản xuất. Nhận thấy tầm quan trọng của việc phải hình thành, xây dựng và cung cấp ra thị trường sản lượng lớn sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, có đầy đủ nhãn hiệu để nhận biết. Hà Nội đã xây dựng được các chuỗi liên kết trong chăn nuôi điển hình như: Thịt lợn AZ của HTX Hoàng Long (Thanh Oai); thịt lợn sinh học Quốc Oai của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai), Thịt lợn sinh học Phúc Thọ của HTX Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (Phúc Thọ), gà đồi Ba Vì của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn của Công ty CP Thực phẩm Hoa Kỳ (Sóc Sơn), gà mía Sơn Tây của HTX Chăn nuôi Dịch vụ và Đầu tư Đoài Phương (Sơn Tây),…
Từ việc liên kết các hộ chăn nuôi thành các tổ chức nông dân như Hội chăn nuôi – tiêu thụ, Hợp tác xã… từ đó đã tổ chức thành công các hoạt động mua chung dịch vụ đầu vào, giảm được chi phí thức ăn, thuốc thú y, con giống; đồng thời có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp, cửa hàng, người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm.Thông qua việc cùng nhau liên kết này không những giảm tối đa chi phí trong sản xuất mà còn ổn định được giá bán ra thị trường, nâng cao thu nhập cho người sản xuất đồng thời tạo ra sự lan tỏa về một hướng phát triển chăn nuôi mới trong thời kỳ Hà Nội hội nhập.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai sản xuất sản phẩm thịt an toàn, Ngành chăn nuôi Hà Nội còn gặp không ít những khó khăn và thách thức.
Đối với người chăn nuôi
Trong thực tế triển khai hiện nay, người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các thủ tục hành chính, những quy định, pháp lý hay cả những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi còn cảm thấy mơ hồ. Từ điều kiện sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều hộ chăn nuôi cũng chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn VietGAP hay cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh,…
Từ thực tế thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản xuất là vậy nhưng việc tiếp cận để vay vốn ở các Ngân hàng đầu tư cho sản xuất lại còn nhiều khó khăn. Kinh nghiệm chăn nuôi cũng như kỹ năng phân tích thị trường, lập kế hoạch sản xuất và hạch toán hiệu quả kinh tế của người dân vẫn dựa theo tâm lý của thị trường nên thường xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”. Người chăn nuôi vẫn chưa thực sự chủ động trong công tác tiêm phòng cũng như việc kiểm soát nguồn thức ăn, thuốc thú y và phòng chống dịch bệnh.
Đối với khâu giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm chăn nuôi
Hiện nay, ở Hà Nội các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc của những con lợn và những con gia cầm khi đưa đến giết mổ, chủ yếu vật nuôi vẫn được vận chuyển qua các khâu trung gian. Tình trạng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công còn hoạt động phổ biến, trực tiếp cạnh tranh ngang nhiên với những cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung hoặc bán công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y Hà Nội “Việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, do các cơ sở nhỏ lẻ, rải rác ở các khu dân cư của các huyện, thị xã; mặt khác do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi đó lực lượng cán bộ thú y hiện nay còn mỏng”. Trong khi tập quán và thói quen tiêu dùng của người dân vẫn cơ bản là thịt nóng, người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; một số cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung và bán công nghiệp hiện nay vẫn chỉ hoạt động đạt 30-50% công suất.
Đối với khâu tiêu thụ sản phẩm
Để các chuỗi sản xuất thịt an toàn đi vào hoạt động có hiệu quả, được đông đảo người tiêu dùng biết đến thì việc đầu tư mở rộng chuỗi cửa hàng bán thực phẩm đảm bảo an toàn đòi hỏi kinh phí đầu tư ban đầu là rất lớn, phải có trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng như tủ lạnh, tủ trữ đông, tủ bảo quản mát, tủ trưng bày, hệ thống máy tính, phần mền theo dõi quản lý và cân chuyên dụng,…
Ông Nguyễn Thành Trung – PGĐ Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết “Hiện nay có rất nhiều điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi, sống ở các khu dân cư, chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh do chi phí rất thấp nên mặc dù chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có thể chưa đảm bảo nhưng đã cạnh tranh về giá với các cửa hàng thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Từ những khó khăn, thách thức trên còn phải kể đến những thách thức về vấn đề tâm lý tiêu dùng hiện nay đối với sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông còn hạn chế ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ các sản phẩm này, kéo theo nhiều tổ chức, cá nhân cũng có tâm lý e ngại khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực giết mổ công nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức trên con đường sản xuất ra những sản phẩm thịt an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mang thông điệp to lớn bảo vệ sức khỏe của người dân, Ngành chăn nuôi Hà Nội mong có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, tập trung ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời các cá nhân tham gia phát triển chuỗi; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, định hướng người tiêu dùng và phổ biến những quy định của pháp luật trong chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Ngọc Bích