Tại Sóc Sơn, sau khi chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang trồng hoa nhài các hộ gia đình đều được đảm bảo đầu ra, được các nhà máy chế biến hoa nhài thu mua ổn định nên bà con nơi đây quyết tâm gắn bó. Bên cạnh đó, hoa nhài là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư chăm sóc ít mang lại hiệu quả kinh tế. Mỗi sào đất trồng hoa nhài có mức thu cao gấp 3 lần trồng lúa. Việc trồng nhài ai cũng có thể làm được, vào vụ thu hoạch người già trẻ nhỏ đều có thể dễ dàng hái hoa.
Nhài là loại cây ưa thời tiết ấm nóng. Người dân thường thu hoạch bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9. Đặc tính sinh trưởng của hoa nhài phù hợp với điều kiện đất đai ở Sóc Sơn. Hơn nữa đây cũng là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, hoa nhài ưa ánh sáng nên để ra hoa nhiều phải trồng nơi có ánh nắng. Khoảng cách các cây phải phù hợp, đặc biệt hoa nhài chỉ với thích hợp với phân bón hữu cơ. Nếu chăm sóc tốt, cây có tuổi thọ đến 10 năm. Vào cuối mùa thu, chỉ cần cắt cành hoa nhài, rồi chọn cành khỏe, đẹp đem cắm ra ruộng, cây cứ thế mà phát triển, sau 2 năm thì bắt đầu cho thu hoạch hoa. Sau thu hoạch các cành nhài cũ sẽ bị cắt đi, sau đó bón phân một lần, chờ đến đầu xuân sẽ cắt lại một lần nữa, rồi đợi ngày ra hoa. Chi phí chăm bón cho 1 sào hoa nhài mỗi năm khoảng một triệu đồng. Theo người nông dân ở đây, việc chăm sóc cây hoa nhài cũng không quá phức tạp. Thông thường, trong suốt quá trình cây đơm hoa, người trồng hoa chỉ cần thường xuyên tỉa lá, làm cỏ, bón phân. Tuy nhiên, hoa nhài khi đến kì thu hoạch lại đòi hỏi nhiều công sức.
Chị Nguyễn Thị Nhung – Xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết: Cỏ phải được nhổ và cắt bằng tay nên thường bà con sau khi hái hoa sẽ tận dụng buổi sáng sớm hoặc chiều muộn để làm cỏ. Hoa nhài thường bị mắc bệnh sâu đục hoa do đó người dân phải phun thuốc sinh học định kỳ 2 lần mỗi tháng để phòng ngừa. Loài hoa này khi sử dụng thuốc kích thích mầm sẽ không trổ bông được vì vậy người dân chỉ bón phân và sử dụng thuốc sinh học để chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh. Vào mùa mưa việc thu hoạch hoa của người dân gặp trở ngại vì hoa khó hái, vất vả hơn do phải chạy đua với thời tiết.
Hoa nhài chỉ có năng suất cao nhất khi thu hoạch từ 13 đến 17giờ. Vào khung giờ này nụ hoa vừa đủ cứng, dầy dặn và quan trọng là chưa nở. Việc thu hoạch hoa hoàn toàn thực hiện bằng thủ công, chủ yếu bằng tay. Hoa nhài lớn rất nhanh, chỉ khoảng hai ngày sau khi ra nụ là hoa nở nên ngày nào người trồng cũng phải ra ruộng, bất kể ngày mưa hay ngày nắng. Vào những hôm mùa hè, người trồng nhài phải đứng phơi mình vào thời điểm nắng gắt nhất trong ngày giữa cánh đồng để hái hoa. Rồi những hôm mưa giông, sấm chớp. Tuy thu nhập cao hơn, nhưng lúc thu hoạch thì vất vả hơn rất nhiều lần làm ruộng. Ông Nguyễn Văn Vịnh - xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết: Nếu hái sáng nụ hoa sẽ chưa đủ lớn về không nở thương lái sẽ không mua, nếu hái chiều muộn hoa sẽ nở hết và bị bay hương, thương lái cũng không thu mua nên bắt buộc phải hái trong khung giờ cố định. Liên tục 6 tháng, ngày nào cũng như ngày nào, nếu không hái coi như hôm đấy không có thu nhập, mà hoa vẫn sẽ nở và phải bỏ đi. Hái hoa cũng phải khéo léo, tỉ mỉ vì nụ hoa rất bé cần phải chọn lựa những nụ hoa đẹp, vừa tuổi để cho mùi hương nhiều nhất.
Vất vả là vậy, nhưng bù lại mỗi một sào ruộng trồng nhài vào mùa nở rộ cho thu hoạch từ 5 kg đến 7 kg mỗi ngày. Trừ chi phí người nông dân trồng nhài sẽ thu về từ 13 đến 15 triệu đồng/sào/năm. Những năm trở lại đây, thương lái thu mua nhiều giá hoa nhài cũng tăng lên đáng kể, thu nhập ổn định hơn, đem lại nhiều niềm vui cho bà con nơi đây. Để đảm bảo đầu ra cho bà con và tạo điều kiện pháp lý cho cây hoa nhài phát triển ổn định, xã đã thống nhất với các hộ dân về việc ký hợp đồng thu mua dài hạn với Hiệp hội Hoa nhài huyện Sóc Sơn. Theo đó, mức giá thu mua sẽ được duy trì ổn định liên tục trong vòng 7 năm (từ năm 2014 - 2021) và giá thu mua hoa không thấp hơn 35.000 đồng/kg. Từ đó giúp người dân an tâm trong khâu tiêu thụ, mở ra hướng đầu tư, phát triển cây nhài về lâu dài./.
Lưu Phượng