Trong năm 2018 vừa qua, mặc dù biên chế lực lượng không nhiều, nhưng với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và quyết tâm cao, tập thể cán bộ viên chức Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kết quả đạt được xin tóm tắt như sau:
Về xây dựng mô hình khuyến nông: Đơn vị đã triển khai thực hiện 12 mô hình trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản… Các mô hình đã triển khai cụ thể bao gồm: Mô hình áp dụng biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây súp lơ trồng trong nhà lưới tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (0,8 ha/04 hộ); mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa đồng tiền tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (0,3 ha/02 hộ); mô hình thâm canh xen hồ tiêu trong cà phê bền vững tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (07 ha/08 hộ); mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm heo đặc sản theo hướng an toàn sinh học tại huyện Bảo Lâm (năm thứ 2); mô hình nuôi gà Tân Hồ giống mới trên nền đệm lót sinh học tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (1.500 con/03 hộ); mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dúi thịt tại Bảo Lâm (100 con/05 hộ); mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong lồng bè tại xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (300 m3/02 hộ); mô hình nuôi thử nghiệm cá ét mọi thương phẩm tại xã Tà Nung, TP. Đà Lạt (năm thứ 2); mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu Đan sâm tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (năm thứ 2); mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ đương quy theo hướng bền vững tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà; mô hình trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật tại xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh (15 ha/30 hộ - chương trình Khuyến nông Quốc gia); mô hình ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân, phun thuốc liên hợp trên cây sầu riêng giai đoạn kinh doanh tại xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai (năm thứ 2).
Các mô hình khuyến nông năm 2018 cơ bản được triển khai thực hiện theo đúng quy định, đúng yêu cầu kỹ thuật và tiến độ kế hoạch đề ra. Kết quả đạt được của các mô hình đã khẳng định những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, những giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, đồng thời là nơi để bà con nông dân tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng nhân rộng.
Về công tác thông tin, tuyên truyền: Đơn vị đã xuất bản Bản tin Khuyến nông Lâm Đồng 06 số với 2.400 cuốn; duy trì hoạt động trang Website Khuyến nông Lâm Đồng, đăng nhập gần 400 tin, bài và có trên 100.000 lượt người truy cập. Các tin, bài đăng bản tin và trang Website của đơn vị đã chuyển tải các nội dung về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn; các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nông nghiệp, thông tin hoạt động khuyến nông, các điển hình nông dân sản xuất giỏi, các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; thông tin giá cả thị trường… Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Đài PT-TH Lâm Đồng thực hiện chuyên mục Bạn nhà nông để phát sóng hàng tuần.
Về đào tạo, tập huấn, hội thảo: Tổ chức tập huấn cho nông hộ tham gia mô hình và hội thảo tham quan giới thiệu kết quả mô hình tổng số 20 lớp/cuộc với 732 lượt người tham gia. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hội viên Hội Nông dân 03 lớp với 103 người dự; tập huấn cho đoàn viên thanh niên 03 lớp với 118 người dự. Tập huấn TOT cho lực lượng khuyến nông huyện, xã (chương trình Khuyến nông Quốc gia) 02 lớp với 57 người dự. Hội thảo tư vấn kỹ thuật cho nông dân các vùng sản xuất trọng điểm 06 cuộc với tổng số 661 người tham dự.
Duy trì hoạt động của lực lượng khuyến nông cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng: Tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra văn bản hướng dẫn và đôn đốc Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện tổ chức quản lý, sử dụng đội ngũ khuyến nông cơ sở nhằm phát huy hiệu quả hoạt động. Thực hiện công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng khuyến nông cơ sở 06 lớp (mỗi lớp 4 ngày) với tổng số 227 học viên tham gia. Tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng khuyến nông cơ sở, trên cơ sở đó tham mưu đề xuất xây dựng phương án tổ chức hệ thống khuyến nông cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn tiếp theo.
Hoạt động thông tin giá nông sản và vật tư nông nghiệp: Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã tiến hành ký hợp đồng với 07 điểm cung cấp giá nông sản và vật tư thiết yếu trên địa bàn 05 huyện, thành phố đại diện cho các vùng sản xuất trọng điểm. Thông tin giá cả thị trường về một số mặt hàng nông sản chủ lực và vật tư nông nghiệp thiết yếu được đơn vị tổng hợp và báo cáo hàng tuần gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời để phục vụ thông tin cho công tác quản lý, đồng thời đăng tải lên Website của đơn vị.
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án VnSAT: Thực hiện các mô hình sản xuất cà phê bền vững và đào tạo FFS cho nông dân về kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững năm 2018. Đã hỗ trợ xây dựng 36 mô hình sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn 7 huyện, thành phố với tổng diện tích 26,1 ha. Tập huấn FFS về sản xuất cà phê bền vững tổng số 80 lớp, mỗi lớp 02 ngày, trong đó có 35 lớp tổ chức 2 ngày liên tục với 882 người dự và 45 lớp chia ra 2 đợt (mỗi đợt 01 ngày) với 3.147 lượt người tham dự. Tập huấn củng cố và phát triển chiến lược truyền thông 01 lớp cho 26 cán bộ Hội nông dân xã các vùng dự án.
Về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Bước sang quý 4 năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định sát nhập Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn vào Trung tâm Khuyến nông. Từ đó, đơn vị được bổ sung thêm 05 biên chế sự nghiệp và thành lập thêm phòng Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn. Sau sát nhập, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bao gồm: Thực hiện công tác cập nhật bộ chỉ số nước sạch nông thôn; phối hợp kiểm tra hiện trạng và công tác quản lý vận hành, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại các địa phương trong tỉnh.
Một số nội dung khác: Tham gia thực hiện Chương trình hợp tác công tư (PPP) phát triển cà phê bền vững, giúp bà con nông dân sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các mô hình trình diễn phân bón, tổ chức tập huấn, hội thảo… nhằm huy động các nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông.
Tóm lại, bức tranh hoạt động Khuyến nông trong năm qua có nhiều gam màu tươi sáng. Trung tâm Khuyến nông đã bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng kế hoạch chuyên môn phù hợp, bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của ngành, của tỉnh. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hướng sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chú trọng đầu tư các mô hình cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất. Quan tâm đổi mới phương thức quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và điều hành việc triển khai thực tế tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện; tập huấn đào tạo theo hướng chuyên sâu, kết hợp lý thuyết với thực hành. Tiếp tục nâng cao chất lượng Bản tin Khuyến nông Lâm Đồng; duy trì hoạt động trang Website của đơn vị để chuyển tải nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc. Thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao về mảng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hoạt động khuyến nông đã góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở tỉnh nhà./.
Nguyễn Minh Trường - TTKN Lâm Đồng