Gia tăng nguy cơ nhập lậu
Việt Nam hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn so với các nước trong khu vực, với đàn trâu hiện có 2,2 triệu con, đàn bò 6,41 triệu con, đàn lợn 24,83 triệu con, đàn gia cầm 532,59 triệu con. Giai đoạn 2018- 2022, bình quân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi/người/năm đối với trứng tăng dần từ 144quả/người/năm (năm 2018) lên đến 183,8 quả/người/năm (năm 2022); sản phẩm sữa tươi tăng từ 9,8 kg (năm 2018) lên 11,3 kg (năm 2022). Tính trung bình chăn nuôi trong nước Năm 2022, cung cấp 74,1kg thịt hơi/người/năm. Mức tiêu thụ còn thấp so với khu vực như mức tiêu thụ thịt chỉ bằng 80% so với Hàn Quốc, trứng bằng 50% so với Nhật Bản, sữa gần bằng 40% so với trungbình châu Á.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, việc xuất, nhập khẩu sản phẩm động vật đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt việc nhập lậu gia súc, gia cầm vào Việt Nam đã được các cấp quan tâm chỉ đạo. Theo số liệu từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & PTNT), chỉ tính riêng từ đầu 2023 đến nay, tại 13 tỉnh có báo cáo đã phát hiện 131 vụ, bắt giữ 159.979 con, 43912 quả trứng, 116.183 kg sản phẩm động vật.
Tuy nhiên nguy cơ nhập lậu gia súc, gia cầm từ nay đến cuối năm vẫn là rất cao, phức tạp, khó lường. Nguyên nhân chủ yếu do thời điểm cuối năm, trước và sau tết Dương lịch, tết Nguyên Đán, mùa Lễ hội tại các địa phương nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng rất cao. Mặt khác tác động của thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, các tỉnh phía Bắc mưa rét nhiều thậm chí có rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sức sản xuất, tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm.
Một tác động nữa đó là giá sản phẩm động vật, sản phẩm động vật biến động ở các nước liền kề cũng như thị trường chung trên thế giới diễn ra khá mạnh, chênh lệch giá lớn nên là cơ hội để người kinh doanh, thương lái sẵn sàng bằng nhiều hình thức tiếp tay cho việc nhập lậu qua biên giới.
Hậu quả tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới rất lớn, làm thị trường tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật bị đảo lộn. Đây còn là hành vi vi phạm pháp luật về thị trường, kiểm soát an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh tăng cao. Đặc biệt, trực tiếp làm ảnh hưởng để sức sản xuất của ngành hàng chăm muôi, sản xuất bị ngừng trệ do không tiêu thụ, hoặc tiêu thụ quá chậm, dẫn đến hệ lụy thiệt hại kinh tế rất đáng kể cho người chăn nuôi.
Tăng kiểm tra, giám sát
Để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm, việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hết sức quan trọng. Để làm được việc này, đòi hỏi sự ra quân, liên kết của các cấp ngành, địa phương. Đối với ngành Công an, Bộ Quốc phòng cần phải tăng cường chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ điều tra nắm bắt tình hình các đối tượng đầu lậu, các đường dây chuyên buôn bán, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.
Đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới trong phạm vị địa bàn quản lý của Hải quan. Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo, triển khai các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc việc tổ chức thực hiện các định của pháp luật hiện hành, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; triển khai xây dựng phần mềm kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; triển khai giám sát, cảnh báo về tình hình dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Song song với đó, UBND các tỉnh, thành phố cần giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép trên địa bàn. Tổ chức chỉ đạo thống kê đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết hợp thức hóa nguồn gốc động vật nhập lậu qua biên giới.
Đối với cơ quan chuyên ngành Thú y cần tham mưu với chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ. Phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng Giấy chứng nhận kiểm dịch khống, Giấy chứng nhận kiểm dịch giả, Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của Luật Thú y./.
NB (Theo Báo KTĐT)