Hiện, Hà Nội đã hoàn tất công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020 với 334 sản phẩm đủ tiêu chí trình UBND thành phố ra quyết định công nhận OCOP. Kết quả cho thấy, nhiều địa phương hoàn thành và vượt mục tiêu Chương trình OCOP đặt ra. Quan trọng là sau này, các địa phương phải nhân lên giá trị của việc sản phẩm được công nhận OCOP.
Theo kế hoạch thành phố giao năm 2020, huyện Thanh Trì có 17 sản phẩm được công nhận OCOP nhưng trong đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 1 năm 2020, huyện đã có 19 sản phẩm của 3 chủ thể đạt đủ tiêu chí OCOP 4 sao, đang trình UBND thành phố ra quyết định công nhận.
Anh Lê Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại nông sản hữu cơ Việt, đơn vị có 12/19 sản phẩm dự thi OCOP của huyện Thanh Trì cho biết, công ty đã lựa chọn những sản phẩm đặc trưng nhất trong 60 sản phẩm của đơn vị. Sản phẩm được chứng nhận OCOP là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, tạo đầu ra ổn định cho nhiều loại nông sản của đơn vị đang liên kết sản xuất với nông dân.
Tương tự, trong đợt 1 đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, huyện Phú Xuyên được đánh giá, phân hạng 84 sản phẩm, vượt 24 sản phẩm so với kế hoạch giao năm 2020 của thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, sản phẩm OCOP lần này đa dạng về chủng loại về thực phẩm, sản phẩm làng nghề...
Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 700 sản phẩm OCOP. Qua kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1, Hà Nội đã có 334 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới đây, các quận, huyện, thị xã tiếp tục đánh giá, phân hạng gần 400 sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố để hoàn thành mục tiêu.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến, bước sang năm thứ 2 thực hiện Chương trình OCOP, các chủ thể tham gia chương trình và chính quyền địa phương đã có nhiều kinh nghiệm hơn khi lựa chọn sản phẩm dự thi; bám sát hướng dẫn đánh giá chấm điểm Chương trình OCOP, chuẩn bị hồ sơ chu đáo, bài bản nên đa số sản phẩm dự thi đáp ứng các tiêu chí. Kết quả này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Đan Phượng là huyện có 62 sản phẩm vừa tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Thep Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, sau khi hoàn thành đánh giá 62 sản phẩm, Đan Phượng tiếp tục khảo sát để lập kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2025; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện. Đan Phượng mong muốn các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương tiếp tục được đánh giá, công nhận theo tiêu chí Chương trình OCOP, qua đó góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, để đẩy mạnh Chương trình OCOP năm 2020 và các năm tiếp theo, Hà Nội tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử… Nhờ đó, nhân lên giá trị của việc sản phẩm của địa phương được công nhận OCOP./.
Theo Báo HNM