Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhà nông làm giàu từ chăn nuôi bò sữa

Trong những năm qua, trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng năng suất và cho hiệu quả kinh tế cao giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình chị Nguyễn Thị Hương - thôn Kim Đái 2 - xã Kim Sơn là một trong những mô hình phát triển kinh tế nông thôn đạt hiệu quả.



Sau nhiều năm làm ruộng hiệu quả kinh tế thấp, bằng sự nhạy bén của mình, đầu năm 2016, chị Hương đã  bàn bạc với gia đình mạnh dạn dồn toàn bộ vốn liếng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 03 con bò sữa giống về nuôi. Bước đầu vợ chồng chị gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc giống bò mới mẻ này nhưng điều đó đã không làm chị nản lòng. Để đàn bò sớm cho sản phẩm, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật tại Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì, nghiên cứu thêm sách báo, tài liệu, nắm vững kiến thức, kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho đàn bò của gia đình. Sau những năm tháng cần mẫn, thức khuya dậy sớm, đàn bò của gia đình chị bắt đầu cho sữa. Với số vốn xoay vòng từ bán sữa gia đình chị tiếp tục đầu tư để nhân rộng đàn bò.

Chị chia sẻ: Bò sữa thích nghi tốt với nhiệt độ thoáng mát vì thế chuồng nuôi phải làm nơi khô ráo, sạch sẽ, chuồng được chia thành từng dãy. Mỗi con có một chỗ đứng được buộc dây cố định vào róng chuồng nhằm thuận tiện cho việc vắt sữa và đảm bảo vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi. Bò sữa được ăn uống đầy đủ, sẽ cho lượng sữa cao và tăng sức đề kháng phòng chống các loại dịch bệnh. Bên cạnh việc chăm sóc và vệ sinh chuồng trại, còn phải thường xuyên theo dõi và định kỳ tiêm phòng vaccine đầy đủ để phòng chống các bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục... Để đảm bảo giảm chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận, gia đình chị đã linh hoạt phối trộn nguồn thức ăn hỗn hợp bao gồm cả thức ăn thô xanh, thức ăn khô và tinh bột. Đối với nuôi bò sữa, khó nhất là quãng thời gian chăm sóc từ con bò giống đến khi cho khai thác sữa. Người nuôi phải rất kiên trì, tích cực áp dụng các quy định về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiêm phòng dịch bệnh để thu được nguồn sữa chất lượng. Nhận thấy nuôi bò sữa mang lại lợi nhuận cao, phát triển thuận lợi, đầu ra, giá sản phẩm ổn định, tháng 9/2020, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn vốn Quỹ khuyến nông Thành phố Hà Nội để cải tạo, mở rộng thêm chuồng trại và tăng quy mô đàn. Áp dụng cơ giới hóa vào chăn nuôi, gia đình chị đã đầu tư xây lắp hệ thống máng ăn, máng uống nước tự động và bán tự động; mua máy vắt sữa; máy trộn thức ăn; máy băm cỏ; máy phun thuốc sát trùng chuồng trại; máy bơm nước sạch phục vụ nước uống cho đàn bò. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, gia đình chị cũng mở rộng diện tích trồng cỏ rộng 1,8ha ngay cạnh khu vực chuồng nuôi, chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò. Đến nay gia đình chị đã phát triển được đàn bò sữa 24 con. Trung bình, đàn bò cho khoảng 100 lít sữa/ngày. Toàn bộ sản lượng sữa từ đàn bò của gia gia đình chị được Công ty Cổ phần sữa Quốc tế IDP đến tận nơi thu mua. Hiện nay giá sữa tăng cao và không còn bấp bênh như những năm trước, trừ đi chi phí chăn nuôi, bình quân mỗi tháng gia đình chị thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Chăn nuôi bò sữa đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình chị ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư, chị Nguyễn Thị Hương là một trong những nông dân đi đầu trong phong trào phát triển nông nghiệp - nông thôn của xã Kim Sơn nói riêng và của thị xã Sơn Tây nói chung. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Hương còn gương mẫu, nhiệt tình trong các phong trào xã hội ở địa phương, tích cực tham gia công tác Hội nông dân, sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên và bà con góp thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thị xã./.

                                                                              Lê Thị Thu Hiền – Trạm KN Sơn Tây