5 huyện nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn
Số liệu quan trắc của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng lượng mưa tại khu vực Hà Nội dao động từ 97,4 - 108,8mm, ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Tổng lượng nước mặt trên sông Hồng tại trạm thuỷ văn Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), trên sông Đuống tại trạm thuỷ văn Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) cũng thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 30%.
Cơ quan khí tượng thuỷ văn cũng nhận định, từ tháng 4 - 6/2024, tổng lượng mưa tại khu vực Hà Nội sẽ phổ biến thấp hơn 10 - 30% so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 - 12/2024, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.
Trên cơ sở dự tính về lượng mưa và tình hình nguồn nước, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Vũ Văn Hoà đánh giá trong năm 2024, khu vực Hà Nội có khả năng xảy ra từ 1 - 2 đợt hạn hán vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và tháng 12.
Tại những thời điểm này, thời tiết chủ yếu ít mưa và vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 khả năng có nắng nóng gay gắt, độ ẩm thấp. Mực nước các sông trong khu vực Hà Nội xuống thấp. Một số huyện cần đề phòng khả năng bị hạn nặng như: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Chương Mỹ.
Sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả
Thực tế, vấn đề khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đã từng xảy ra tại huyện Ba Vì trong năm 2023, khi mực nước sông Hồng, sông Đà bị hạ thấp khiến các trạm bơm không thể vận hành. Bên cạnh đó, trong năm 2023, lượng mưa trên địa bàn huyện Ba Vì cũng chỉ đạt khoảng 1050mm, tương đương 60% so với trung bình nhiều năm.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, trước bối cảnh đó, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo chuyển đổi 358 ha đất lúa sang gieo trồng các loại cây trồng cạn, ít sử dụng nước. Đồng thời, điều chỉnh, lùi lịch gieo cấy vụ Mùa 2023 kéo dài 10 ngày so với kế hoạch để chờ bổ sung nước mưa và đợi mực nước sông dâng cao…
Trước nhận định về nguy cơ hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong năm 2024, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến đề nghị các quận, huyện, thị xã cần tăng cường tuyên tuyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, để người dân biết; từ đó có ý thức chủ động trong sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có nguy cơ hạn hán, thiếu nước cao.
Các địa phương cũng cần xác định cụ thể những diện tích đảm bảo tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước để có biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích hợp. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn hiện có như: SRI, nông - lộ - phơi, nhỏ giọt, phun mưa…
Theo chia sẻ của Chủ tịch Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn, hiện nay doanh nghiệp này đang duy trì việc theo dõi, đánh giá thường xuyên trữ lượng nước tại các hồ chứa để quản lý vận hành đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm cấp nước cho sản xuất trong cả năm.
Các doanh nghiệp thuỷ lợi khác của Hà Nội cũng đã chỉ đạo cán bộ, người lao động ứng trực 24/24 giờ, tranh thủ mực nước tốt trên hệ thống các sông để vận hành hệ thống lấy nước trong điều kiện cho phép; tích trữ nước nhằm cung cấp cho nhu cầu đời sống, sản xuất của người dân. /.
NB (Theo Báo KT & ĐT)