Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Người nông dân được vinh danh gương điển hình trong phát triển kinh tế

Từ xã Lộc Châu tới thôn Ánh Mai, đến đâu bà con nông dân ai nấy đều trầm trồ khen ngợi anh nông dân Nguyễn Kim Ánh, một chủ doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Ánh Linh chuyên thu mua và chế biến chè đen xuất khẩu, từ hai bàn tay trắng với quy mô sản xuất doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng/năm.



             Anh sinh ra và lớn lên từ một vùng quê Miền Trung du Bắc bộ, thuộc ngoại ô thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cái nôi của nghề trồng chè cả nước, với những rừng cọ, đồi chè đã đi vào thơ ca của nền văn học nước nhà. Ngay khi còn nhỏ anh đã làm quen với những nương chè và có ước mơ khi lớn lên sẽ tiếp bước cha mẹ làm cho đồi chè quê anh mãi mãi xanh tươi, sản phẩm chè được đến với mọi miền tổ quốc và còn có thể đi xa hơn nữa.

            Thế rồi đến tuổi trưởng thành, đất nước thanh bình chưa lâu thì chiến tranh biên giới xảy ra, anh lên đường nhập ngũ tham gia bảo vệ biên giới Tây nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia giải phóng đất nước khỏi thảm họa diệt chủng. Năm 1981 hoàn thành nhiệm vụ, anh trở về quê hương với thương tật loại 4/4. Được vài năm xây dựng gia đình rồi đưa gia đình vào Đạ Huoai - Lâm Đồng sinh sống. Sau nhiều lần anh lên Bảo Lộc thăm chơi anh thấy khí hậu Bảo Lộc ôn hòa, quanh năm mát mẻ, có vùng nguyên liệu chè rộng lớn giống với Phú Thọ quê anh, đặc biệt lại có thương hiệu chè B’Lao nổi tiếng trong và ngoài nước biết đến.

            Sau một thời gian dài trăn trở, anh quyết định bàn bạc với vợ con chuyển gia đình lên xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc sinh sống. Lúc đầu chuyển gia đình tới vùng đất mới không tránh khỏi bỡ ngỡ, anh tích cực đi tham quan tìm hiểu cuộc sống và điều kiện canh tác của các hộ dân nơi đây; có nhiều hộ trồng chè, cà phê, cũng có hộ làm nghề thu mua chè búp tươi về sơ chế thành chè khô rồi bán cho các nhà máy chế biến và các tiệm trà tại Bảo Lộc; họ có cuộc sống khá ổn định, anh nghĩ mọi người làm được thì chắc mình cũng làm được, nhưng vốn liếng ban đầu lại không có, anh vay mượn vốn của gia đình vợ để đi thu mua chè búp tươi bán cho các đại lý của Công ty chè Bảo Lộc và sơ chế thành chè khô bán cho các tiệm trà ở Bảo Lộc. Khi đó lao động thủ công rất vất vả, không có phương tiện máy móc hiện đại như bây giờ. Với suy nghĩ sẽ lấy ngắn nuôi dài, khi có kinh nghiệm và tích lũy được vốn sẽ mở rộng sản xuất nên anh rất chuyên cần nhẫn nại và lao vào sản xuất, bình quân mỗi ngày chỉ sơ chế được 150 kg trà búp tươi thành phẩm, khoảng 40 kg trà khô, trừ chi phí anh cũng kiếm được ngày công lao động khá hơn những ngành nghề khác vào thời điểm đó và cứ như thế quy mô sản xuất ngày càng tăng về số lượng. Cũng tại thời điểm đó, một số nhà máy chè ở Bảo Lộc rất cần nguyên liệu chè búp tươi để sản xuất chế biến chè thành phẩm xuất đi một số nước Đông Âu và Trung Đông. Trong khi đó, tại xã Lộc Châu lúc bấy giờ chủ yếu là cây chè phát triển cả về diện tích và năng suất, với diện tích cây chè chiếm 3/4 diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 2.300 ha; hàng năm cho sản lượng chè búp tươi đạt hơn 20.000 tấn để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn xã Lộc Châu. Đặc biệt, khâu thu mua chế biến sau thu hoạch là rất cần thiết, có làm tốt khâu này mới có thể làm cho bà con nông dân yên tâm  đầu tư phát triển mở rộng diện tích và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đối với cây chè.

            Nắm bắt được nhu cầu đó, với bản chất nhanh nhạy của người lính trinh sát năm xưa. Năm 1990 anh đã mạnh dạn thế chấp nhà cửa để tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng đầu tư mở rộng nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất chế biến chè khô, kết hợp làm đại lý thu mua chè búp tươi của bà con nông dân trên địa bàn xã để giao cho các nhà máy chế biến chè ở Bảo Lộc; đồng thời làm đại lý vệ tinh cho Công ty chè Lâm Đồng có thêm nguyên liệu để sản xuất chế biến chè khô xuất khẩu ra thị trường thế giới.

            Với quãng thời gian dài gần 30 năm gắn bó với công việc sản xuất, thu mua, chế biến chè. Từ thu mua chế biến chè khô - thô sơ ban đầu, đến nay anh đã có cơ sở nhà xưởng khang trang, với công nghệ máy móc hiện đại của ngành chè. Tập trung cho sản xuất chế biến chè xuất khẩu và thành lập Công ty TNHH Phúc Ánh Linh. Từ là một cơ sở nhỏ lẻ, hiện nay anh là chủ của ba nhà máy sản xuất chế biến chè ở 3 vùng nguyên liệu khác nhau: Nhà máy tại vùng nguyên liệu xã Lộc An, huyện Bảo Lâm; nhà máy tại xã Lộc Châu TP. Bảo Lộc và nhà máy tại xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai. Mỗi nhà máy bình quân chế biến với công suất 10 đến 15 tấn chè búp tươi/ngày, giải quyết việc làm ổn định thường xuyên cho bà con nông dân tại chỗ, mỗi nhà máy từ 20 đến 30 công nhân, thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng, doanh thu  hàng năm đạt trên 15 tỷ đồng trừ chi phí sản xuất và nghĩa vụ thuế anh còn lãi khoảng 3 tỷ đồng/năm.

            Doanh nghiệp của gia đình anh luôn gương mẫu thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, luôn tiên phong đi đầu trong các mô hình phát triển kinh tế. Năm 2018, anh giao công việc sản xuất thu mua chế biến chè cho vợ con quản lý, anh bắt tay vào một ngành nghề mới đó là xây dựng nhà nuôi yến ở khu vực đồi cao xã Lộc Châu, cách xa khu dân cư theo quy định của Nhà nước; bước đầu anh mới xây dựng 2 nhà với diện tích khoảng 250m2 lắp thiết bị tín hiệu gọi yến về bước đầu đã có hiệu quả, yến đã bắt đầu làm tổ tương đối nhiều, báo hiệu một mô hình phát triển kinh tế đúng hướng. Trong công việc sản xuất rất bận rộn nhưng anh Nguyễn Kim Ánh tích cực tham gia sinh hoạt các hội như: Nông dân, Cựu chiến binh và tham gia vào các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương, đóng góp vốn làm đường liên thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế cho bà con nông dân và đồng đội khi có nhu cầu. Ngoài ra, anh còn là thành viên câu lạc bộ doanh nghiệp doanh nhân sản xuất kinh doanh giỏi của Hội CBB tỉnh Lâm Đồng.

            Với những thành quả đạt được ngoài mong đợi của người nông dân Nguyễn Kim Ánh trong gần 30 năm qua, đã phản ảnh lên một nghị lực phi thường, những quyết đoán táo bạo, một sự lựa chọn chính xác và nắm bắt tốt quy luật của  thị trường để phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi để cho bà con nông dân học tập làm theo. Anh Nguyễn Kim Ánh cũng chính là người tháng 9 năm 2019 vừa qua  được địa phương vinh danh là nhân tố điển hình tiên tiến trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Tạ Minh Đức - CCB Bảo Lộc