Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng như các địa phương trên cả nước đã tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh... Nhờ vậy, ngành Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Nguyễn Như Cường, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã thu hoạch 3,48 triệu héc-ta, tăng 0,5%; năng suất bình quân đạt 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch là 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%. Đối với cây ăn quả chủ lực, sản lượng cũng tăng, như: Sầu riêng đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; xoài 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%... Giá bán hầu hết sản phẩm cây ăn quả tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước.
Về lĩnh vực chăn nuôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Dương Tất Thắng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, chăn nuôi phát triển ổn định, đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại. Tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 2,9%; sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 2,6 triệu tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 1,2 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%...
Cùng với ngành Nông nghiệp cả nước, nông nghiệp Hà Nội cũng phát triển ổn định. Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản Hà Nội đạt khoảng 22.661 tỷ đồng, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước…
Sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường
Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở dự báo những khó khăn và thuận lợi, ngành Nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng khoảng 3,5% cho cả năm 2024.
Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, đặc biệt là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; phát triển thị trường; thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch…
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu cho biết, để bảo đảm đủ lượng hàng phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, công ty tiếp tục liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa gạo; xây dựng thương hiệu và kiểm soát chất lượng từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Đại, trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương của thành phố triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường...
Để tiếp tục giữ đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển vùng trồng; liên kết với nhau tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu… Còn Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội kiến nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT rà soát, sửa đổi quy định đối với vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng để tránh trùng lặp với điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè thu, thu đông và vụ mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, nhất là đối với cây ăn quả chủ lực để chỉ đạo trồng rải vụ cho phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.../.
NB (Theo Báo HNM)