Sau hơn 16 năm hoạt động, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Nội đã nâng vốn lên 170 tỷ đồng, giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác có điều kiện mở rộng sản xuất...
Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Nội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục tiêu của quỹ là nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn Hà Nội vay vốn để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ hỗ trợ vốn vay ưu đãi trên cơ sở dự án, kế hoạch có tính khả thi, có tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật, với lãi suất cố định 6,3%/năm, thời hạn vay tối đa là 5 năm.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dân Hòa (huyện Thanh Oai) Nguyễn Văn Sự thông tin, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Nội đã cho hàng chục hộ thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Dân Hòa vay vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định trong suốt quá trình vay và giải ngân vốn nhanh gọn, thuận tiện. Nhờ có nguồn vốn này, đã giúp các thành viên của hợp tác xã yên tâm đầu tư công nghệ, máy móc, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động cũng như chất lượng của sản phẩm. Hiện có những hộ sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 2 - 3 triệu đồng/ngày.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì Tạ Việt Hùng, hầu như các hợp tác xã tiếp cận vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, còn các nguồn tín dụng khác rất khó tiếp cận. Tuy nhiên, vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Nội không nhiều, tối đa không quá 500 triệu đồng/thành viên, chưa đáp ứng được quy mô sản xuất cũng như việc đổi mới, đầu tư công nghệ cao của các hợp tác xã. “Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã có thể xem xét nâng mức vốn vay từ 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng/thành viên để các hợp tác xã có thể đẩy mạnh mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Tạ Việt Hùng mong muốn.
Không những vậy, hầu hết các hợp tác xã cho rằng, cần thành lập các tổ tín chấp với lãi suất ưu đãi để có thêm nhiều thành viên được tiếp cận với nguồn quỹ hỗ trợ. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Nội cần tổ chức thêm các lớp tập huấn, tuyên truyền về hoạt động vay vốn từ quỹ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Nội Đinh Thị Thu Hằng cho biết, theo quy định, hạn mức cho vay đối với mỗi hợp tác xã có thể lên tới 35 tỷ đồng, song thực tế chưa có hợp tác xã nào được vay số vốn ưu đãi như vậy. Nguyên nhân là do nguồn quỹ có hạn, trong khi phải dàn trải cho nhu cầu vay vốn của tất cả các hợp tác xã trên địa bàn thành phố. Để việc hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể được hiệu quả, bảo đảm phát triển lâu dài, bền vững, trong thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Nội sẽ có nhiều điều chỉnh, cải tiến về các quy định, điều lệ, cơ chế, nguồn vốn...
Hiện nay, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đang xây dựng phương án tổ chức sắp xếp lại mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã nhưng các cơ quan liên quan chưa thống nhất trong việc xác định phương thức tổ chức điều hành Quỹ theo phương thức nào, ủy thác hay tổ chức, quản lý điều hành độc lập. Do đó, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đang xin ý kiến của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và tham khảo mô hình tổ chức quản lý, điều hành của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam để làm căn cứ thực hiện. Liên minh Hợp tác xã Hà Nội cũng đã đề xuất nên thống nhất phương thức hoạt động từ Trung ương đến địa phương trên toàn quốc theo phương thức thành lập bộ máy tổ chức, quản lý điều hành độc lập.
“Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Hà Nội sẽ được tổ chức lại và hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Từ đó, nâng cao nguồn vốn cho vay và điều chỉnh lãi suất ưu đãi linh hoạt theo cơ chế thị trường, giúp hoạt động vay vốn của hợp tác xã được thuận lợi, phù hợp và đi vào thực chất hơn”, bà Đinh Thị Thu Hằng cho biết thêm./.
NB (Theo Báo HNM)