Từ một người buôn trứng vịt, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng, đến nay ông Mai Văn Sơn ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã sở hữu trong tay đàn vịt hơn 10.000 con. Bình quân mỗi ngày ông Sơn nhặt bán 9.000 quả trứng vịt, thu lãi trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Ông Mai Văn Sơn được biết đến là một trong những hộ gia đình làm kinh tế giỏi ở xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Từ một người nông dân "chân lấm tay bùn", ông đã vươn lên thành ông chủ giàu có của trang trại vịt đẻ rộng lớn với hàng ngàn con vịt.
Ông Sơn kể, làm ruộng dường như đã trở thành nghề cha truyền con nối đối với những người không có nghề nghiệp ổn định trên mảnh đất thuần nông xã Hải Thanh.
Như bao gia đình khác, kinh tế gia đình ông phụ thuộc chủ yếu vào ít sào lúa ở quê. Dù chăm chỉ làm ăn, thầu khoán thêm nhiều diện tích trồng lúa, nhưng số tiền ít ỏi kiếm được cũng chỉ đủ ông trang trải cho cuộc sống.
Đầu những năm 2000, ông chuyển sang nghề buôn bán trứng vịt, buôn vịt giống. Công việc buôn bán thuận lợi, ông cũng có chút của ăn của để.
Nhận thấy công việc chăn nuôi vịt khá nhàn, lại cho thu nhập cao, giữa năm 2009, ông bàn với vợ bỏ nghiệp buôn bán, chuyển sang chăn nuôi vịt.
Ông thuê lại 3 mẫu ruộng tại xã Hải Thanh, tiến hành cải tạo ao nuôi vịt, mua hơn 100 con vịt giống về thả. Nhờ áp dụng tốt kiến thức, kỹ năng chăn nuôi, nên đàn vịt nhà ông "lớn nhanh như thổi". Vịt đẻ đến đâu ông lại cho nhân giống đến đó.
"Mới đầu, tôi cũng lo lắng lắm, không biết chăn nuôi có thành công không. Nhưng rồi, vừa làm vừa mày mò tìm hiểu, may mắn là vịt nuôi đều khỏe mạnh cho năng suất cao…", ông Sơn chia sẻ.
Cũng chính nhờ "mát tay" trong chăn nuôi nên đàn vịt của ông được nhân bản với mức chóng mặt. Đầu ra ổn định, ông Sơn tiếp tục bàn với vợ mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện ông sở hữu trang trại rộng hơn 5ha, với 10.000 con vịt siêu trứng và 4.000 con vịt bầu cánh trắng đẻ trứng.
Bật mí về kinh nghiệm chăn nuôi vịt, ông Sơn vui vẻ cho biết, trong chăn nuôi vịt, khâu lựa chọn con vịt giống là quan trọng. Theo đó, con vịt giống phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín, có giấy kiểm dịch khi xuất bán.
"Vịt con phải đáp ứng được các yếu tố: khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bông, mắt sáng, bụng gọn, chân mạp, cứng cáp, dáng đi vững vàng…", ông Sơn nói.
Ngoài ra, người nuôi vịt cũng phải chuẩn bị tốt khâu chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi vịt. Khi dựng chuồng vịt, người nuôi nên chọn nơi cao ráo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và tránh gió lùa để dựng chuồng.
"5ha, tôi chia ra làm nhiều ao nuôi. Quanh ao, được bố trí trồng cây bóng mát cho vịt trú ngụ. Sau mỗi lứa vịt, tôi lại tiến hành phun thuốc khử trùng, nhờ vậy chuồng trại, khu chăn nuôi luôn sạch sẽ, tránh được dịch bệnh…" ông Sơn nói.
Ông Sơn nhẩm tính, loài vịt siêu trứng mỗi con đẻ từ 250- 300 quả/năm, vịt bầu cánh trắng đẻ 200 quả/năm, do vậy với 14000 con vịt, mỗi ngày gia đình ông xuất bán hơn 9.000 quả trứng thương phẩm, cùng với 2000 con vịt giống. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu trên 500 triệu đồng.
Nhờ chăn nuôi vịt an toàn, trứng vịt nguồn gốc rõ ràng, mới đây trứng vịt của gia đình ông Sơn đã được UBND huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) công nhận là sản phẩm OCOP cấp huyện đạt 3 sao./.
Theo danviet.vn