Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mở hướng đi cho nông nghiệp sinh thái

Thời gian qua, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Hà Nội đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, để nông nghiệp sinh thái thực sự mở rộng ra các địa phương còn nhiều việc phải làm.



Phù hợp với nông nghiệp đô thị

Hiện nhiều hộ nông dân ở vùng bãi ven sông Hồng của huyện Đan Phượng đã đưa cây, con giống mới cho giá trị kinh tế cao theo định hướng du lịch sinh thái trải nghiệm. Theo ông Thiều Văn Thiết ở xã Trung Châu (huyện Đan Phượng), gia đình bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư trồng nho Hạ Đen trên diện tích 4.500m2 và nho sữa giống Hàn Quốc với diện tích 1.000m2, vừa để thu hoạch nho, vừa phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm.

“Với mức giá 150 nghìn đồng/kg, ước tính cho thu hoạch từ nho đạt hơn 70 triệu đồng/sào, cao gấp 2 lần so với trồng các loại cây khác. Ngoài thu hoạch từ sản phẩm nho, gia đình cũng tiếp tục cố gắng thu hút người dân đến tham quan, chụp ảnh nhằm tăng thêm thu nhập từ hoạt động dịch vụ này”, ông Thiều Văn Thiết chia sẻ.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, huyện đang thực hiện tái cơ cấu ngành và tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao kết hợp thu hút khách tới trải nghiệm. Thời gian qua, nông dân đã tích cực đưa các giống mới, cây con mới vào sản xuất và cho giá trị kinh tế cao, như: Mô hình nho hạ đen, tôm thẻ chân trắng, giá trị sản xuất đạt 425 triệu đồng/ha/năm. Qua đó, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 73 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện không có hộ nghèo.

Cũng giống như một số xã của huyện Đan Phượng, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng đang đẩy mạnh phát triển mô hình này. Trước đây, người dân xã Phù Đổng chủ yếu chăn nuôi bò sữa, thu nhập không ổn định, nên đã chuyển sang làm nghề hoa cây cảnh. Năm 2020, xã Phù Đổng được UBND thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề hoa giấy Phù Đổng” và xã đã quy hoạch xây dựng những mô hình chuyển đổi sang trồng hoa giấy. Từ việc chuyển đổi trên kết hợp nguồn thu từ việc khách tới tham quan, chụp ảnh tại các vườn hoa nên giá trị thu nhập đối với nghề trồng hoa cây cảnh đạt hơn 780 triệu đồng/ ha/năm.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, như: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), làng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín)... Ngoài ra, Hà Nội có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, là điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển nông nghiệp sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với thực tế của nông nghiệp Hà Nội.

Xác định sản phẩm nông nghiệp đặc trưng

Tuy nhiên, các điểm sản xuất nông nghiệp sinh thái ở Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng dịch vụ còn nghèo nàn, cơ sở vật chất phụ trợ chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chắp vá, chất lượng không cao. Các hộ nông dân mới đơn thuần sản xuất nông nghiệp bán sản phẩm, chưa chú trọng tới tính đặc trưng riêng để thu hút khách tới tham quan trải nghiệm, mua sắm…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, để phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng riêng biệt, huyện sẽ nâng cao kỹ năng giao tiếp phục vụ khách; xây dựng nhiều điểm giới thiệu sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặc trưng của địa phương. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái cũng như sản phẩm làng nghề của huyện.

 

Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Các địa phương cần xây dựng những mô hình chuyên canh cây trồng vật nuôi như: Hoa cây cảnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách, từ đó sẽ thu hút khách đến với các mô hình nông nghiệp sinh thái, qua đó gia tăng thu nhập cho người nông dân.

Tiến sĩ Đinh Phạm Hiền, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp & PTNT) cho rằng, Hà Nội cần xác định đúng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để thu hút khách. Theo đó, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sinh thái để nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân về khoa học, kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn; mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng trong giao tiếp với khách cho nông dân. Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng phụ trợ tại các điểm nông nghiệp sinh thái; đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp để thu hút khách tới tham quan trải nghiệm kết hợp mua sắm tại các điểm nông nghiệp sinh thái”, Tiến sĩ Đinh Phạm Hiền nhấn mạnh./.

TA (Theo Báo HNM)