Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình kinh tế mới góp phần nâng cao đời sống nhân dân

Để góp phần nâng cao đời sống nhân dân, nhiều địa phương tại Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện những mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các mô hình kinh tế mới, từng bước nâng cao thu nhập của người dân.



Nhiều mô hình kinh tế mới

Với lợi thế nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, huyện Sóc Sơn khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm..., trong đó có mô hình nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm. Mô hình này tạo nên tín hiệu tích cực khi bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình bà Đỗ Hồng là một trong những hộ chăn nuôi dê quy mô lớn ở huyện Sóc Sơn. Bà Hồng cho hay, so với nuôi trâu, bò thì nuôi dê tốn ít công chăm sóc. Dê là loài động vật ăn tạp nên tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, thời gian nuôi từ 6 đến 8 tháng/lứa; đầu ra cũng tương đối ổn định, tư thương đến tận nơi thu mua nên nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Ngọc Yên, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi dê xã Nam Sơn (Sóc Sơn) cho hay, từ chỗ chỉ có vài hộ chăn nuôi dê, nhưng nhờ hiệu quả kinh tế cao, nguồn thu nhập ổn định, việc nuôi dê đang được nhân rộng trên địa bàn. Từ đó, xã thành lập Tổ chăn nuôi dê để các hộ dân thêm kênh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi.

"Thông qua hoạt động của tổ, đầu ra cho dê giống và thịt dê thương phẩm được bảo đảm; sản lượng dê giống và thịt dê được tiêu thụ ổn định, thậm chí nhiều thời điểm không có hàng để bán", ông Yên vui vẻ nói.

Hay với việc tích cực nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao như chăn nuôi bò, lợn, gà, trồng cây ăn quả… nhiều người dân xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) có thu nhập hơn 50 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Trung Hoàng Thị Thắng cho hay, mặc dù các hộ dân trong xã đang chăn nuôi hơn 1.100 con trâu, bò... nhưng mô hình chăn nuôi bò sinh sản 3B chuyên sâu đã có 5 hộ hội viên tham gia thí điểm nuôi hơn 30 con. Từ hiệu quả rõ rệt của mô hình, hội tiếp tục tuyên truyền nhằm nhân rộng, phát triển thêm nhiều hộ hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia chăn nuôi bò sinh sản 3B.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Minh ở thôn Đầm Bối cho hay, gia đình bà có trang trại chăn nuôi gia súc và hơn 30 tổ ong mật trên địa bàn thôn Hội Hương. Từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, vào các mùa hoa vải, nhãn, keo… gia đình bà Minh thu hoạch được gần 100 lít mật ong/mùa hoa.

Tập trung phát triển kinh tế nông thôn

Năm 2019, khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Quốc Oai đã tập trung rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế thuộc 6 nhóm ngành hàng là thực phẩm, đồ uống, may mặc, du lịch, dược liệu và thủ công mỹ nghệ. Trên cơ sở đó, huyện xác định tập trung vào các nhóm ngành có tiềm năng cao như thực phẩm và thủ công mỹ nghệ để xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, ban đầu, một số cơ sở sản xuất trên địa bàn còn nghi ngại về hiệu quả của chương trình. Sau khi được tuyên truyền, tham quan học tập và hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm, các chủ thể đều nhận thấy Chương trình OCOP giúp nâng cao giá trị sản xuất, nâng tầm thương hiệu sản phẩm...

Nhờ đó, sau 3 năm triển khai, đến nay, toàn huyện đã phát triển được 79 sản phẩm OCOP thuộc 60 chủ thể. Trong đó có 51 sản phẩm được phân hạng 4 sao, 28 sản phẩm 3 sao.

Là đơn vị có sản phẩm được chấm điểm OCOP đạt 4 sao, ông Hoàng Doãn Hòa, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Tân Phú cho biết, nhờ tham gia Chương trình OCOP, doanh thu của cơ sở đạt hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động trên địa bàn với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình ông Hòa làm ra như: Tranh tứ quý, hoành phi câu đối, bàn thờ ô sa, ngai thờ, cuốn thư... có tính mỹ thuật, độ tinh xảo cao nên nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, huyện Quốc Oai đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa và liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP ra các tỉnh, thành phố, đồng thời hướng tới xuất khẩu./.

NT (Theo Chinhphu.vn)