Mô hình Chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa (ứng dụng công nghệ số) trong sản xuất, giám sát môi trường không khí, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi được triển khai tại hộ ông Nguyễn Quang Vình (xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng) có quy mô 5.000 con. Thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng12 năm 2023. Giống gà được chọn là gà Ai Cập. Đây là giống gà cao sản cho năng suất cao về sản phẩm trứng, dễ thích nghi với môi trường, khí hậu, tỷ lệ sống đạt cao. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 50% vật tư thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, vắc xin, thuốc khử trùng, acid hữu cơ; 40% hệ thống tự động hóa; 100% chi công tác chỉ đạo, kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định giá; tập huấn, hội thảo, tổng kết; chi phí chứng nhận VietGAHP và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.
Sau 3 tháng triển khai, hiện nay đàn gà đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đến thời điểm hiện tại đạt 98%, dự kiến kết quả sau khi triển khai mô hình: Năng suất trứng/mái đạt ≥ 200 quả/năm. Tỷ lệ hao hụt trong giai đoạn đẻ ≤ 2%/tháng. Hiệu quả kinh tế tăng >20% . Với hiệu quả và giá trị kinh tế mang lại, mô hình có khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà. Mô hình được sản xuất an toàn theo quy trình VietGAHP, có truy xuất nguồn gốc dự kiến giá bán 3000 - 3.200 đồng/quả trứng, trung bình lãi 80.000 - 100.000 đồng/mái/năm cao hơn so với ngoài mô hình từ 20.000 - 40.000đồng/mái/năm. Với quy mô của mô hình 5000 con cho lợi nhuận đạt từ 400 - 500 triệu đồng, cao hơn ngoài mô hình từ 85 -170 triệu đồng. Do đó hiệu quả kinh tế tăng từ 20 - 50%, thu nhập người chăn nuôi được nâng cao và ổn định.
Ưu điểm nổi bật của mô hình là ứng dụng công nghệ tự động hóa (IOT) trong sản xuất, giám sát môi trường không khí, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi.
Toàn bộ quá trình sản xuất từ cho gà ăn, uống nước, nghe nhạc, thu chất thải, bơm khử trùng, môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi… đều được xử lý bằng hệ thống điều khiển tự động lập trình sẵn trong ngày. Bên cạnh đó, hệ thống còn tích hợp thêm role dùng để bật, tắt các thiết bị như đèn, máy bơm nước, quạt… Ứng dụng công nghệ tự động hóa vào trong sản xuất để điều khiển, giám sát thông qua bộ thiết bị điều khiển qua sóng wifi hoặc qua áp điện thoại từ khoảng cách xa rất thuận tiện khi người lao động không có mặt tại chuồng nuôi để thao tác trực tiếp, chỉ cần có mạng wifi hoặc 3G, 4G và sử dụng năng lượng mặt trời, mã QR để truy xuất nguồn gốc cho chúng ta thấy lợi ích từ việc minh bạch thông tin sản phẩm. Đó là điều rất quan trọng với người tiêu dùng để có thể an tâm về chất lượng sản phẩm.
Ưu điểm nổi bật của mô hình là ứng dụng cộng nghệ vi sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống, phun chuồng trại để thay thế, hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và giảm khí độc, mùi hôi chuồng nuôi, tạo sản phẩm chất lượng, năng suất cao, giảm tỷ lệ loại thải, hình thái vỏ trứng đẹp, giảm tỷ lệ dập vỡ. Áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho chăn nuôi gà và áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp trong quá trình chăn nuôi giúp đàn gà khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh.
Từ hiệu quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân, có thể nhân rộng sang một số huyện trên địa bàn thành phố như: Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Dương... phục vụ mục tiêu chăn nuôi an toàn sinh học, sản phẩm chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, từng bước thay đổi hành vi và phương thức sản xuất theo hướng an toàn và bền vững, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAHP nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất chất lượng, từ đó gia tăng được giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Nguyễn Hương Giang - Trung tâm KN Hải Phòng