Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật Thủ đô tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển

Với các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND TP. Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 được cho sẽ giúp phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới…



Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Đây được xem là hành lang pháp lý vững chắc để Hà Nội hiện thực hoá các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Vấn đề nông nghiệp, nông thôn được đề cập thành một điều riêng (Điều 32) trong Luật Thủ đô. Điều 32 nêu những vấn đề cơ bản trong định hướng chung phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND TP. Hà Nội. Điều này hứa hẹn tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.

Theo khoản 3, Điều 32 Luật Thủ đô: “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định: Hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt”…

Luật Thủ đô định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, tạo ra các sản phẩm vừa có chất lượng, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là yêu cầu đặt ra trước mắt và lâu dài. Trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề, trong đó đã đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này. Theo đó, TP. Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”; đồng thời hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.

Điểm nổi bật trong Luật Thủ đô đưa vào là các điều khoản như giải pháp khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở ra cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội bước chuyển mình mới.

Luật Thủ đô cũng đưa ra những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao đời sống nông dân, người lao động tại các tổ chức kinh tế nông nghiệp. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề của thành phố cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”; thành phố hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.

Luật Thủ đô là chính sách mang tính vượt trội, đặc thù, thể hiện ở sự đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô liên quan đến tổ chức bộ máy; tài chính - ngân sách; thẩm quyền, cơ chế đầu tư; thu hút trọng dụng nhân tài… Các cơ chế, chính sách này sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển.

 Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025./.

NV (TH)