Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làm giàu từ chăn nuôi lợn nái, lợn thịt

Gia đình anh Tô Văn Hải ở xã Nguyên Khê – huyện Đông Anh vốn thuần nông và hoàn cảnh khó khăn. Qua gần 10 năm nuôi lợn nái, ước mơ thoát nghèo vươn lên làm giàu của anh Hải đã thành hiện thực. Cơ ngơi chuồng trại rộng hàng nghìn mét vuông và quy mô chăn nuôi hàng trăm lợn thịt cùng hàng trăm lợn giống đã làm cho gia đình anh Hải trở thành hộ giàu, điển hình phát triển kinh tế của xã Nguyên Khê.



Trong khi không ít hộ nông dân bỏ chuồng vì sợ dịch bệnh, giá bán lợn bấp bênh, giá thức ăn cho lợn tăng cao thì anh Hải vẫn kiên trì, theo đuổi chăn nuôi lợn nái, lợn thịt để phát triển kinh tế gia đình. Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt theo quy trình khép kín của gia đình anh Tân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khen ngợi, bởi quy mô trang trại to đẹp và được xây dựng, quản lý một cách khoa học.

Khu chuồng lợn được xây dựng cách biệt khu dân cư,bên ngoài cánh đồng thoáng mát, không khí xung quanh trong lành, yên tĩnh và được chia làm ba khu riêng biệt gồm: Khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản (trong đó có chuồng dành riêng cho lợn đẻ); khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị và khu chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Không khí trong khu chuồng luôn mát mẻ bởi hệ thống làm mát tự động, giàn xả hơi nước và quạt hút hơi nước làm mát, nhất là vào mùa hè. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại, anh Hải cho biết hiện nay gia đình anh đang nuôi 80 con lợn nái ngoại và thường xuyên có từ 150-200 con lợn thương phẩm trong chuồng, 1.500-2000 con lợn giống/năm. Đàn lợn, nhất là lợn nái được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin để phòng bệnh. Hàng tuần anh phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại 1 lần (khi có dịch phun 2 lần/tuần). Đồng thời định kỳ hàng tháng anh phun thuốc khử mùi 2 lần bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh. Để có nguồn thức ăn sạch và rẻ cho lợn, anh Hải dùng máy nghiền, trộn thức ăn cho lợn, có thể tận dụng được các nguồn lương thực, thực phẩm chăn nuôi tại địa phương, không phụ thuộc nhiều vào những loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Nhờ vậy mà trang trại chăn nuôi của gia đình anh Hải luôn phòng tránh được dịch bệnh, tiết kiệm chi phí,lợn giống và lợn thương phẩm của gia đình anh luôn bán được giá bởi thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng vào chất lượng.

Với sự kiên trì, dám nghĩ dám làm, gia đình anh Hải đã rất thành công với mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt. Năm 2012-2014, gia đình anh thu nhập ước 1,5 tỷ đồng từ chăn nuôi lợn. Theo anh Hải, những ai biết kiên trì, chịu khó, ham học hỏi và dám nghĩ, dám làm đều có thể làm giàu.

Những khó khăn thiếu vốn, thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc lợn nái không làm anh Hải nản lòng. Nhờ kiên trì, chịu khó ham học hỏi nên anh Hải đã từng bước làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi lợn nái và tích lũy được kinh nghiệm cũng như vốn để mở rộng qui mô chăn nuôi như hiện nay.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Hải còn là người có công trong việc gây dựng phong trào ở địa phương, giúp đỡ các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn.Anh thường xuyên tuyên truyền các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh và các kiến thức khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân trong thôn cùng thực hiện. Anh còn giúp đỡ cho nhiều gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn bằng lợn giống và thức ăn chăn nuôi. Việc làm của anh Hải đã góp phần mang lại thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều gia đình hội viên nông dân trong xã./.

                                                          Nguyễn Thị Thủy – Trạm KN Đông Anh