Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Trồng Khoai tây Atlantic đạt năng suất trên 25 tấn/ha

Trong khuôn khổ thực hiện Dự án xây dựng mô hình sản xuất khoai tây năng suất, chất lượng cao liên kết với nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại vùng Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Hồng. Trong năm 2018, Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa đã xây dựng thành công mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm cho năng suất đạt trên 25 tấn/ha.



             Kết quả mô hình cho thấy, các mô hình được trồng giống Atlantic sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao, tại thời điểm 50-60 ngày, mức độ phủ luống đạt 100%, không xuất hiện các triệu chứng bệnh héo xanh và virus trên đồng ruộng, bệnh mốc sương bị nhiễm nhẹ (khoảng 2%) tại thời điểm 50-60 ngày sau trồng và sau đó được kiểm soát hoàn toàn, không có cây khác lạ. Các mô hình đều thu hoạch đảm bảo thời gian sinh trưởng, giống khoai tây Atlantic từ 95-100 ngày, đạt năng suất 25,40 tấn/ha. Cụ thể tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, được trồng với tổng diện tích 5 ha/50 hộ, năng suất đạt 25,36 tấn/ha; tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt được trồng 10 ha/100 hộ, năng suất đạt 25,44 tấn/ha.

            Chất lượng khoai tây thương phẩm của các mô hình đảm bảo theo tiêu chuẩn TCVN5003:1989 (Tiêu chuẩn khoai tây thương phẩm), với giá bán 8.500 đồng/kg nông hộ tham gia mô hình đạt tổng doanh thu 215,900 triệu đồng/ha và lợi nhuận đạt trung bình từ 90 triệu đồng/ha.

            Có được kết quả trên là kết quả của sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên môn khác trên địa bàn; sự nỗ lực của cán bộ chỉ đạo mô hình đồng thời triển khai việc chọn hộ đúng đối tượng, tập huấn kỹ thuật làm đất, lên luống, rạch hàng, bón phân, trồng, chăm sóc, nhận biết một số sâu bệnh hại và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, phương pháp phát hiện thanh lọc cây bị bệnh, cách đánh dấu và khử lẫn các cây khác giống, khác dạng, nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bị bệnh, thu hoạch và bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch ... đảm bảo quy trình đề ra.

            Ông Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa cho biết: Từ kết quả thực tế mà dự án đã mang lại không những làm tăng thu nhập cho bà con nông dân tham gia mô hình mà điều quan trọng hơn hết đó là đã chủ động sản xuất ra được nguồn khoai tây thương phẩm để cung cấp cho các cơ sở chế biến tại địa phương cũng như các vùng khác trên cả nước tạo sự ổn định về mặt kinh tế - xã hội. Qua đó, làm nền tảng để năm 2019 đơn vị sẽ phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng triển khai nhân rộng mô hình cho bà con nông dân./.

Văn Phương - TTKN Lâm Đồng