Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Lan tỏa mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc

Xã Liêng Srônh là một trong những xã nghèo của huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng với hơn 75% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, bên cạnh cây cà phê, nhiều loại cây trồng khác như chanh, bưởi, sầu riêng… được bà con nông dân trên địa bàn xã đưa vào trồng và cho những kết quả tích cực, cả về năng suất lẫn chất lượng. Đặc biệt, vài năm gần đây, chanh không hạt được người dân địa phương lựa chọn nhiều, trồng thuần hoặc trồng xen trong vườn cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho bà con. Điển hình như mô hình trồng chanh không hạt của gia đình anh Lâm Xuân Phát ở thôn 2, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông. Đây là mô hình được nhiều người dân đến tham quan, học hỏi để nhân rộng.



Là một trong những hộ gia đình đầu tiên mang cây chanh không hạt về trồng trên vùng đất xã Liêng Srônh, anh Lâm Xuân Phát (quê gốc An Giang) theo bố mẹ lên vùng đất này từ năm 2000. Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng cà phê và một số loại cây trồng ngắn ngày khác. Thấy cây cà phê cho hiệu quả kinh tế không cao, làm vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, những năm được mùa lại mất giá. Vì vậy, anh luôn suy nghĩ, tìm tòi chuyển đổi giống cây trồng để tăng hiệu quả. Trong một lần về thăm quê, thấy cây chanh không hạt phát triển tốt, cho năng suất cao, bố anh đã mua hơn 50 cây giống về trồng thử nghiệm. Sau 2 năm chăm sóc, cây chanh cho thu hoạch vụ trái đầu tiên, bán được giá. Đầu năm 2016, bố mẹ anh đã mạnh dạn phá bỏ bớt cà phê để trồng chanh không hạt trên diện tích 1,6 ha của gia đình. Thấy cây chanh không hạt sinh trưởng phát triển phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, cho năng suất và chất lượng tốt, giá cả lại khá ổn định. Do đó, năm 2017, bố mẹ anh đã quyết định cho anh Phát phá bỏ 1,7 ha diện tích cà phê còn lại để chuyển đổi sang trồng chuyên canh cây chanh không hạt để phục vụ thị trường.

Được tận mắt chứng kiến vườn chanh không hạt của anh Lâm Xuân Phát, chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ khi không ngờ trên vùng đất Liêng Srônh này lại có cánh đồng chanh không hạt bạt ngàn như thế, không khác gì ở dưới miền Tây. Anh Phát cho biết, trên diện tích 1,7 ha này, được anh trồng chanh từ năm 2017, với 850 gốc chanh không hạt được anh lấy giống ở Bến Tre (giống Mỹ và Liêm Ka). Sau khi trồng 12 tháng đã có thu, sau 24 tháng cho thu hoạch ổn định, mỗi gốc chanh cho năng suất trung bình 60 - 70 kg/năm (có cây thu 100 kg/năm). Chanh không hạt trái to, vỏ mỏng, vị chua và thơm hơn nhiều giống khác nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ chính là xuất ra huyện Đức Trọng đi các siêu thị và các chợ bán lẻ. Với giá trung bình 8.000 - 10.000 đồng/kg (mùa khô cao điểm lên đến 22.000 - 25.000 đồng/kg), vườn chanh 1,7 ha của anh sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc mang lại thu nhập cho gia đình hơn 300 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều nông dân tại vùng đất Liêng Srônh này.

Vườn chanh được anh đầu tư hệ thống tưới phun mưa tận gốc nên tiết kiệm được nước tưới và công chăm sóc. Phân bón cho cây chanh được anh dùng chủ yếu là NPK 16-16-8 (dùng khi thu hết đợt trái, trung bình 1-1,5 kg/gốc chia làm 4 lần bón/4 đợt trái) và phân Yara 12-11-18 (lúc hình thành trái non để giúp trái đẹp da, bóng bẩy, nhiều nước). Bên cạnh đó, để giúp phục hồi cây, cây nhanh khỏe, anh sử dụng thêm phân hữu cơ Fertiplus 65 OM (bao 25 kg, một bao bón 40-50 gốc chanh) để bón quanh gốc. Để phòng trừ sâu bệnh cho cây chanh, anh Phát dùng thuốc trừ rầy sinh học của Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời và quét Ridomil Gold 68WP lên thân cây để phòng trừ nấm thân, nấm phấn trắng...

Theo anh Phát, để khuyến cáo người dân phát triển cây chanh không hạt, trước hết chọn được cây giống đạt chuẩn, rồi mới đến kỹ thuật chăm sóc và sử dụng phân bón cho đúng. Anh Phát chia sẻ: “Được thành quả như bây giờ là nhờ vườn anh có cây giống tốt, trong vườn anh chọn những cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho trái đều để lấy mắt ghép (bo giống) gửi nhà vườn ở miền Tây mà anh quen biết để ghép nhân giống nên rất hiệu quả. Cây chanh không hạt trồng ở đây hơn hẳn miền Tây, không bị nấm và chết do ngập úng, nhẹ đầu tư. Vùng đất này là đất cát khô, thoát nước tốt nên rất lợi thế (ở miền Tây phải đào rãnh lên líp để tránh ngập úng). Chỉ những tháng mùa khô mới sử dụng hệ thống tưới tự động, đất tốt nên cây nhanh bung cành. Trái chanh không bị núp lá, đất khô ráo nên hạn chế sâu bệnh tấn công gây hại. Vì vậy, trồng chanh không hạt nhàn hơn cây cà phê, cho thu nhập cao hơn cây cà phê gấp nhiều lần”.

Anh Kon Yông K’Khiếp - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêng Srônh cho biết: “Nhiều hộ đồng bào ở trong xã đã đến vườn chanh không hạt của gia đình anh Lâm Xuân Phát để học hỏi và được anh chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh đạt năng suất và chất lượng. Hiện trên địa bàn xã đã phát triển nhân rộng diện tích chanh không hạt lên hơn 25 ha, trồng thuần hoặc trồng xen trên diện tích cà phê sẵn có để tăng thêm thu nhập, tránh việc phụ thuộc hoàn toàn vào cây cà phê như trước. Cây chanh không hạt được đánh giá rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Liêng Srônh. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiến hành khảo sát và triển khai rộng rãi trong hội viên nông dân, khuyến khích bà con trồng xen trong vườn cà phê năng suất thấp để tăng thu nhập”.

Trong những năm gần đây, thị trường cây sầu riêng phát triển mạnh nên những cây chanh già cỗi kém hiệu quả, anh Phát đã mạnh dạn trồng xen 160 cây sầu riêng nhằm thay thế trong thời gian tới. Hiện cây sầu riêng đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sang năm 2023 sẽ cho thu hoạch lứa trái đầu tiên, mang lại thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình bên cạnh cây chanh không hạt.

Đối với bà con dân tộc thiểu số, chanh không hạt là cây trồng mới, tuy không khó nhưng yêu cầu phải nắm được kỹ thuật để trồng. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ nên chất lượng chưa đồng đều và chủ yếu bán hàng qua thương lái. Do đó, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi, làm theo và nhân rộng mô hình, hình thành được vùng nguyên liệu tập trung. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã và xây dựng thương hiệu, tìm liên kết và ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con yên tâm hơn trong quá trình sản xuất./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng