Năm 2018, gia đình anh Lợi đầu tư khoảng 70 triệu đồng xây chuồng nuôi với nguyên vật liệu làm chuồng là gạch men kích thước 50x50 cm, được ghép đứng, mặt nhẵn ghép vào trong, dán bằng silicon rất chắc chắn, có lớp lưới ngăn trên từng ô chuồng nuôi dúi không cho ruồi, muỗi chui vào cắn, đốt và được kê cách mặt nền nhà 10cm để dễ vệ sinh (chuồng nuôi rất khác so với các hộ nuôi dúi khác tại tỉnh Lâm Đồng) và 50 triệu đồng mua con dúi giống. Trước khi mua dúi giống về nuôi anh Lợi phải tự tìm tòi học hỏi kiến thức trên mạng internet, cải tiến cách nuôi từ từ để dúi thích nghi với môi trường và phát triển khỏe mạnh. Nhờ sự kiên trì và tích cực học hỏi, từ 25 cặp dúi giống ban đầu dần dần tăng đàn, có thời điểm đàn dúi tăng lên 500 con nhưng hiện tại còn khoảng 250 con (100 con trong độ tuổi sinh sản, 150 con nuôi thịt thương phẩm). Thời gian đầu, do chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi và chăm sóc, đàn dúi không thích nghi được với khí hậu nên hao hụt không ít. Anh Lợi tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc và thay đổi nguồn cung cấp dúi giống, kết quả đàn dúi phát triển ổn định.
Anh Lợi cho biết, hiện gia đình anh đang nuôi giống dúi mốc lớn. Thức ăn của dúi là các nguyên liệu có sẵn tại địa phương như: Tre, mía, cỏ, bắp… Để chủ động nguồn thức ăn cho dúi, ngoài cây tre, anh Lợi còn trồng thêm cây mía để cung cấp thêm thức ăn cho dúi. Theo anh Lợi, kỹ thuật nuôi dúi không khó, nhưng để nuôi dúi sinh sản, đạt tỷ lệ sống cao thì người nuôi phải đầu tư chuồng trại, thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Ngoài xây chuồng nuôi cao ráo, ngăn ô cho từng cặp dúi sinh sản, anh Lợi còn đầu tư hệ thống phun sương trên mái nhà, quạt trần, tấm xốp cách nhiệt để chuồng nuôi thông thoáng, đảm bảo “đông ấm, hè mát”. Với dúi đang mang thai thì tách dúi đực ra để chăm sóc riêng dúi cái. Còn với dúi con, người nuôi cần thường xuyên cho uống thêm sữa, trứng gà để dúi đủ sức đề kháng, kiểm tra, chăm sóc, không để dúi con bị ướt… đặc biệt, anh Lợi còn bổ sung thêm canxi bằng cách cho dúi gặm thêm xương bò (xương bò trước khi cho dúi ăn phải được nấu khoảng 3 tiếng để lọc bỏ hoàn toàn mỡ và thịt).
Hiện nay, đàn dúi sinh sản của gia đình anh Lợi có hơn 100 con bố mẹ. Bình quân mỗi năm, con dúi trưởng thành đẻ từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa 4 - 5 con, tỷ lệ sống trên 90%. Dúi giống nuôi khoảng 45 ngày tuổi có thể xuất bán, trên thị trường dúi thương phẩm có giá trị cao giao động từ 650.000 - 900.000 đồng/kg, dúi giống tùy vào cân nặng loại nhỏ từ 0,3 - 0,4 kg có giá từ 1.200.000 - 1.400.000 đồng/cặp. Giá dúi sinh sản (1kg/con) từ 1.600.000 - 2.200.000 đồng/cặp. Năm 2021, nguồn thu từ trại dúi gia đình anh Lợi trên 100 triệu đồng; dự kiến trong năm 2022 khoảng 150 - 200 triệu đồng.
Trại dúi giống của gia đình anh Lợi chủ yếu cung cấp cho các hộ dân, nhà hàng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Bình Phước, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận… Với dúi thương phẩm, anh Lợi cung cấp cho các nhà hàng ở địa phương và xuất đi các tỉnh Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… Trong năm 2021, trại dúi của anh Lợi bán trên 120 cặp dúi giống, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho các tỉnh. Vì vậy, gia đình anh Lợi đã liên kết với một số hộ chăn nuôi dúi ở trong xã để cung cấp thêm cho thị trường. Anh Lợi sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ về con giống, kỹ thuật nuôi dúi, cũng như hỗ trợ các nông hộ có giấy chứng nhận nguồn gốc giống khi xuất ra khỏi tỉnh cho một số hộ dân để cùng phát triển vật nuôi này.
Hiện tại, anh Lợi đang tham gia phối hợp cùng Hội nuôi dúi của tỉnh Lâm Đồng cũng như Hiệp hội nuôi dúi Việt Nam giúp đảm bảo đầu ra được ổn định và trao đổi kinh nghiệm từ những địa phương khác. Trong thời gian tới, anh Lợi tiếp tục mở rộng quy mô, đảm bảo được nguồn con giống khỏe mạnh, hạn chế được rủi ro khi nuôi, liên kết chăn nuôi dúi giúp người dân cải thiện kinh tế, tăng thu nhập từ loại động vật hoang dã này.
Anh Lợi cho biết: Thời gian qua có rất nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập mô hình nuôi dúi của gia đình anh, đồng thời đặt vấn đề ký hợp đồng cung cấp dúi thịt lâu dài với số lượng lớn. Tuy nhiên, hiện trại dúi của gia đình anh tập trung cung cấp dúi giống nên chưa có nguồn dúi thương phẩm. Nếu có nhiều cơ sở cùng chăn nuôi, cho nguồn dúi thịt dồi dào thì việc tìm đầu ra ổn định cho con dúi sẽ được giải quyết. Do vậy, anh Lợi dự định sẽ mở rộng quy mô đàn, cho dúi tập nghe nhạc để dúi làm quen với tiếng động. Ngoài ra, anh cũng tích cực hỗ trợ, liên kết với một số hộ dân cùng đầu tư nuôi dúi thịt, khi có nguồn cung ổn định mới dám ký hợp đồng dài hạn.
Bà Đinh Tường Vi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng cho biết: Anh Cao Lợi là người đầu tiên thử nghiệm mô hình nuôi dúi tại xã Ninh Gia và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lợi còn cung cấp con giống và hỗ trợ kỹ thuật cho rất nhiều hộ dân khác ở xã Ninh Gia và các vùng lân cận. Hội Nông dân xã sẽ động viên gia đình anh Lợi phối hợp với một số hộ dân khác nhân rộng, phát triển thành tổ hợp tác chăn nuôi dúi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; từ đó có đủ tiềm lực để ký hợp đồng cung ứng dúi giống cũng như thương phẩm ổn định ra thị trường./.
Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng