Phân hữu cơ là phân chứa các chất dinh dưỡng ở dạng những hợp chất hữu cơ. Chất dinh dưỡng trong phân hữu cơ cây không trực tiếp sử dụng được mà phải qua quá trình phân giải nhờ vào sự hoạt động của các vi sinh vật, các tác động lý hóa trong đất chuyển các chất dinh dưỡng từ khó tiêu sang dạng dễ tiêu để kịp cung cấp dinh dưỡng cho cây. Hữu cơ là tiêu chỉ để đánh giá độ phì nhiêu, độ tơi xốp, kết cấu đất, độ thấm thấu và giữ nước, tính đệm của đất, quyết định đến số lượng, sự hoạt động của hệ vi sinh vật đất. Phân bón hữu cơ được phân ra 2 nhóm : nhóm phân hữu cơ truyền thồng và nhóm phân hữu cơ chế biến.
- Kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ truyền thống.
+ Được tạo ra từ nguồn nguyên liệu và cách xử lý truyền thống. Nguồn nguyên liệu có thể là chất thải của vật nuôi, là phế phẩm trong nông nghiệp, là phân xanh (bèo hoa dâu, thân cây họ đậu…).
+ Đối với nhóm phân này trước khi đưa vào sử dụng bón cho đất cần phải ủ hoại mục bằng nấm TRICODERMA để diệt trừ nấm bệnh có trong phân chuồng tươi tránh gây hại cho cây trồng.
+ Phân chuồng tươi chưa ủ hoại mục chứa các dưỡng chất khó tiêu cây trồng khó hấp thu, trong quá trình phân hủy sản sinh ra một số chất gây ngộ độc rễ ( ngộ độc hữu cơ).
+ Phân hữu cơ truyền thống được sử dụng chủ yếu để bón lót khi làm đất trước khi trồng.
+ Cách bón là bón theo hàng, theo hố hoặc bón rải trên mặt đất rồi cày vùi xuống. Lượng phân bón tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng nhiều hay ít, loại đất tốt hay đất xấu và chất lượng của phân tốt hay xấu.
+ Phân chuồng bón từ 0,5-2 tấn/hecta. Phân xanh cày vùi vào đất khi cây ra hoa lúc làm đất.
- Kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ chế biến.
Gồm các loại phân hữu cơ được chế biến từ nguyên liệu hữu cơ theo quy trình công nghiệp.
Có thể bón cho hầu hết các loại đất và các loại cây trồng.
- Phân hữu cơ chế biến:
+ Được chế biến từ những chất có nguồn gốc hữu cơ.
+ Có thể sử dụng cho cả bón lót lẫn bón thúc.
+ Bón theo hàng, theo hốc hay rải đều trên mặt đất rồi cày vùi.
+ Bón lót khi làm đất trước gieo trồng.
+ Bón thúc theo chiều rộng của tán cây đối với cây lâu năm, cây ngắn ngày chủ yếu bón lót.
- Phân vi sinh:
+ Là phân bón trong thành phần có chứa các vi sinh vật có lợi.
+ Dùng bón lót hay bón thúc đều được, đối với cây ngắn ngày sử dụng để bón lót là chính.
+ Bón lót rải đều khi làm đất rồi cầy vùi.
+ Đối với cây trồng lâu năm bón thúc bằng cách đào rãnh, rải phân và phủ một lớp đất mỏng hay rải đều phần theo chiều rộng tán cây rồi tưới nước.
+ Phân vi sinh phát huy hiệu quả ở những vùng đất mới, đất thoái hóa, phèn, đất chai cứng…do lạm dụng phân vô cơ hay bón trong thời gian dài.
- Phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh:
+ Được sản xuất từ nguồn liệu hữu cơ, áp dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất.
+ Là phân bón giúp cải tạo đất rất hiệu quả.
+ Có thể dùng bón gốc hay phun lên lá. Sử dụng cho cả bón lót và bón thúc.
+ Cây lâu năm đào rãnh bón lót rồi lấp một lớp đất mỏng hoặc rải đều trên mặt đất rồi tưới nước ngay.
+ Phân bón lá thì hòa tan với nước theo liều lượng rồi phun đều lên toàn bộ cây.
Chú ý: Khi sử dụng các sản phẩm phân vi sinh, phân hữu cơ sinh học, vi sinh để đạt hiệu quả cao không nên sử dụng các loại thuốc BVTV, phân bón hóa học.
- Phân hữu cơ khoáng
Là phân hữu cơ được trộn thêm 8-18% các nguyên tố khoáng vô cơ.
Phân có hàm lưỡng vô cơ nhiều nên dùng để bón thúc là chính.
Cách bón tương tự như phân hữu cơ sinh học.
Bà con cần hiểu rõ, có một cái nhìn tổng quan về các loại phân bón hữu cơ, nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng và đặc điểm của từng loại đất để sử dụng lượng phân bón cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất, đối với các loại phân hữu cơ chế biến thì nên sử dụng theo hướng dẫn có nhà sản xuất. Phân hữu cơ chính là nền tảng để phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững. Giúp cải tạo đất đai, cây trồng phát triển bền vững, cho năng suất cao, chất lương nông sản tốt, thân thiện với môi trường và đặc biệt nó là an toàn với con người.
Nguyễn Thị Giang – TKN Chương Mỹ ( nguồn sinhhocvietnam.vn)