Tuy nhiên qua thực tiễn tại các địa phương cho thấy, một số tổ dịch vụ và bà con nông dân làm mạ khay chưa thực hiện đúng các bước trong quy trình kỹ thuật, nhất là quá trình phối trộn giá thể, chăm sóc mạ sau gieo... Do đó khi cấy xuống ruộng cây mạ còi cọc, chậm bén rễ, kéo dài thời gian sinh trưởng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Để gieo mạ khay hiệu quả, cây mạ trong khay đạt tiêu chuẩn đem ra cấy, sinh trưởng và phát triển tốt, xin chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu làm giá thể
Nguyên liệu làm giá thể cần chuẩn bị khoảng 2 - 3 tuần trước khi gieo để chủ động thời vụ và hạn chế sâu bệnh lây nhiễm. Nếu giá thể lưu trữ quá lâu thì sẽ phát sinh nấm, mốc gây hại. Ngược lại nếu chuẩn bị muộn sẽ không chủ động thời vụ gieo, giá thể khó xử lý hết sâu bệnh hại tàn dư trong giá thể.
Để giá thể được chuẩn bị tốt cần lưu ý các nguyên liệu:
+ Đất: Nên chọn đất đỏ bazan, đất màu, đất phù sa có độ pH trung tính (4,5 - 5,5). Qua thực tiễn cho thấy đất đồi gò nơi mọc các cây sim, mua là loại đất thích hợp nhất cho việc gieo mạ khay. Không chọn đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất cát pha, đất cát vì loại đất này có khả năng giữ nước, dinh dưỡng kém.
Đất làm giá thể được xử lý sâu bệnh hại, sau đó nghiền nhỏ vừa phải, không nên nghiền thành bột mịn sẽ làm đất khó thoát nước, mất đi tính chất vật lý của đất.
+ Mùn cưa hoặc trấu hun: Dùng mùn cưa của những loại gỗ không có tinh dầu (keo, mít…) hoặc rơm, rạ đã phân hủy, trấu hun để tạo độ tơi xốp trong giá thể. Không dùng mùn cưa từ cây gỗ lim, bạch đàn… chứa nhiều tinh dầu sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của bộ rễ cây mạ. Trước khi dùng mùn cưa để phối trộn vào giá thể cần tiến hành sàng lọc kỹ sau đó đánh thành đống để xử lý các chất độc hại tàn dư, sau đó trộn nguyên liệu làm giá thể.
+ Phân bón: Dùng phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng đã ủ hoai mục cần sàng, lọc kỹ trước khi phối trộn. Vụ xuân khi thời tiết rét hạn chế bón phân đạm.
Việc phối trộn giá thể được tiến hành khi chuẩn bị được các nguyên liệu trên. Tỷ lệ phối trộn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, đặc điểm giống lúa gieo, tập quán canh tác... Nếu vụ xuân gặp rét kéo dài thì cần bớt lượng phân đạm hoặc không phối trộn, đồng thời tăng lượng phân bón vi sinh tổng hợp chứa vi lượng để không ảnh hưởng đến cây mạ.
Do đó trong quá trình triển khai cần điều chỉnh tỷ lệ phối trộn cho phù hợp, thông thường tỷ lệ phối trộn như sau: 1m3 + 0,3 - 0,5 m3 mùn cưa kết hợp phân vi sinh hoặc phân chuồng hoai mục + 1,5 kg phân đạm + 10 kg phân lân + 1,5 kg kali.
- Chuẩn bị hạt giống
Chọn các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân dưới 140 ngày, vụ mùa dưới 110 ngày), sinh trưởng phát triển tốt. Nên gieo các giống nằm trong cơ cấu giống của xã, huyện, tỉnh, thành phố để phù hợp với từng địa phương.
Chuẩn bị nguyên liệu làm giá thể mạ khay
Thực hiện tốt các nội dung trên, các tổ dịch vụ, HTXNN và bà con nông dân sẽ làm chủ được công nghệ sản xuất mạ khay. Từng bước nhân rộng mô hình mạ khay, máy cấy để tạo tiền đề đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hạt giống phải đảm bảo độ thuần, mẩy và sáng hạt, sạch sâu bệnh, không lẫn tạp cơ giới, đảm bảo chất lượng theo quy định. Trước khi tiến hành gieo cần xử lý hạt giống, sau đó ngâm ủ như phương pháp thông thường. Tuy nhiên khi mầm nhú gai dứa là có thể gieo được, không nên để mầm dài quá chiều dài hạt lúa sẽ khó điều chỉnh mật độ gieo trên khay.
- Gieo mạ
Yêu cầu đảm bảo mật độ đồng đều trên các khay. Sau khi gieo xong tiến hành xếp khay thành chồng (thường dao động từ 20 - 30 khay/chồng, chồng khay này cách chồng khay kia từ 15 - 20 cm để tiện theo dõi, kiểm tra).
Vụ xuân khi thời tiết rét cần giữ ấm cho mạ bằng cách che phủ nilon hoặc chuyển vào nhà ủ chuyên biệt. Khi mạ nhú mầm dài khoảng 0,5 -1cm thì rải khay thành các băng, luống với kích thước như gieo mạ truyền thống để tiện cho việc chăm sóc sau này.
- Chăm sóc sau gieo
Sau khi ủ hoạt hóa mầm, tiến hành chuyển ra khu vực chăm sóc. Giai đoạn này cần chú ý:
* Tưới nước: Tưới để giữ độ ẩm trong khay, giúp cây mạ sinh trưởng phát triển tốt. Vụ xuân cần tưới giữ ẩm, không tưới ẩm quá sẽ làm cây mạ bị bệnh. Vụ mùa không để thiếu nước làm khay mạ bị khô sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá sinh trưởng phát triển của cây. Khi thời tiết nắng gắt cần tưới nhiều lần vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không tưới vào buổi trưa khi cường độ nắng mạnh.
* Chống rét cho mạ: Vụ xuân khi gặp thời tiết bất thuận, nhất là các đợt không khí lạnh kèm theo mưa ẩm, nhiệt độ xuống thấp cần chống rét cho mạ bằng cách xếp các khay mạ thành luống sau đó làm các vòm có che phủ nilon như chống rét cho mạ theo phương pháp truyền thống.
* Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra cây mạ để phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời (lưu ý đến bệnh khô vằn khi cây mạ đạt từ 1,5 lá trở lên).
Khi mạ đạt tiêu chuẩn (mạ được 2,5 - 3 lá thật, chiều cao cây từ 10 - 20cm, cứng cây, đanh dảnh, sạch sâu bệnh) thì tiến hành đem đi cấy. Trong quá trình vận chuyển có thể cuộn khay mạ lại để dễ dàng vận chuyển. Vệ sinh sạch sẽ các khay mạ và bảo quản dùng cho vụ sản xuất tiếp theo./.
Hà Thúy Tuyển (Theo Báo NNVN)