Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cùng đoàn công tác đã đi tham quan mô hình tại xã Minh Phú, xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018. Đến thăm mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần KMS. Công ty sản xuất chủ yếu loại nấm gồm: Sò yến, đùi gà, ngọc châm, nấm sò NoTaKy, nấm hương tươi, nấm sừng hươu, Đông cô và linh chi, với sản lượng khoảng 600 kg đến 800 kg/ngày. Khu vực sản xuất tại xưởng đã giúp tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 nhân công. Đến nay, nấm KMS đã được cung cấp cho Công ty phát triển nông nghiệp Vineco, tất cả các siêu thị lớn, siêu thị Vinmart, BigC và cả hệ thống siêu thị Fivimart, Aeon, Megas và hệ thống siêu thị mini toàn quốc. Đoàn cũng đến thăm mô hình trang trại tổng hợp của hộ gia đình ông Đặng Quang Tiến... Đây là những điển hình trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế lớn giúp người dân phát triển bền vững..
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân của huyện Sóc Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, về xây dựng NTM, đến nay huyện đã có 18/25 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã còn lại đạt từ 14 - 17 tiêu chí và huyện phấn đấu sẽ hoàn thành NTM vào năm 2019.
Toàn huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích 10.845 ha. Sau dồn điền, đổi thửa đã hình thành 32 vùng sản xuất chuyên canh tập trung với nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao và góp phần tăng hiệu quả cho người sản xuất từ 1,5 - 2 lần so với trước đây. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện huy động được 1.312 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Nhân dân đã hiến hơn 7.500m2 đất thổ cư trị giá 15 tỷ đồng để phục vụ công tác xây dựng NTM. Đời sống người nông dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao và các thiết chế văn hóa ở cơ sở được tập trung hoàn thiện. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 29,8 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 39,5 triệu đồng/người/năm (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,72% theo chuẩn nghèo đa chiều; 92% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, huyện Sóc Sơn cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ xây dựng NTM là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu giai đoạn 2016 - 2020.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ sạch có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; tăng cường xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp. Huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào nông thôn, đặc biệt là hạ tầng xã hội, giao thông (trường học, bệnh viện, trạm y tế…). Đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết và đề án xây dựng NTM của các xã gắn với quy hoạch khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn. Quan tâm nhiều hơn tới bảo vệ môi trường nông thôn, thực hiện tốt trật tự, văn minh đô thị ở thị trấn. Củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã và phát triển đa dạng các hình thức hợp tác ở nông thôn để tạo điều kiện khuyến khích các hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Cùng với đó, phải xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở (nhất là thôn, làng, cụm dân cư) trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức./.
Huy Hoàng