Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Không để dịch chồng dịch trong chăn nuôi

Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành chăn nuôi. Xác định những khó khăn trước mắt, ngành chăn nuôi Hà Nội đã và đang tập trung nhiều giải pháp, quyết tâm không để dịch chồng dịch.



Hiện nay, tổng đàn lợn hiện có trên toàn thành phố đạt 1,4 triệu con, riêng đàn lợn nái tăng nhanh, đạt 160.000 con, bằng 95% so với thời kỳ trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 87.400 tấn. Tổng đàn gia cầm hiện có khoảng 39 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần trên 65.000 tấn.

Tuy nhiên, chăn nuôi Hà Nội đang đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể, dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến lưu thông, vận chuyển gia súc gia cầm; giá sản xuất đầu vào, đầu ra không ổn định làm biến động giá thành chăn nuôi. Công tác quản lý dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn do phải đồng thời vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các giải pháp về phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Ngành chăn nuôi Hà Nội đã và đang tập trung nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tập trung phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quản lý.

Với mục tiêu không để dịch chồng dịch, ngành chăn nuôi đang tập trung thực hiện tốt các giải pháp chuyên môn phòng chống dịch bệnh. Nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao năng lực hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, bệnh dại động vật… Cùng với đó, thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch cũ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn (dự kiến 5 đợt/năm). Tăng cường công tác thanh, kiểm tra quản lý sử dụng vật tư, vaccine, hóa chất. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm và hành nghề thú y theo phân công, phân cấp để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm./.

NT (Theo Kinh tế đô thị)