Thông tin mới nhất từ Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn, chiều 2/1, trên địa bàn xã Bắc Sơn và Minh Trí (huyện Sóc Sơn) đã xảy ra 1 vụ cháy rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Mặc dù lực lượng tham gia chữa cháy rất đông với 1.100 người cùng nhiều trang thiết bị, máy móc, tuy nhiên, phải sau khoảng 12 giờ đồng hồ, đám cháy mới được dập tắt. Cụ thể, thời điểm đám cháy được phát hiện là vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 2/1, và cho tới 4 giờ 15 phút sáng 3/1, đám cháy mới được khống chế.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn Phạm Văn Vọng cho biết, Sóc Sơn là một trong những "điểm nóng" về cháy rừng của Hà Nội. Trong năm 2020, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 13 vụ cháy rừng với tổng diện tích 10.865ha. Mỗi khi xảy ra cháy rừng, việc tiếp cận đám cháy để dập lửa rất khó khăn, do địa hình dốc, khó đi lại.
Điển hình nhất là vụ cháy rừng lịch sử làm thiệt hại 50 ha rừng xảy ra tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hồi tháng 6/2017. Gần 2.000 người được huy động và phải mất đến 12 giờ mới dập tắt được ngọn lửa do lực lượng chữa cháy chỉ có thể tiếp cận ở vòng ngoài.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trong năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 17 vụ cháy rừng, tổng diện tích bị cháy hơn 14,56 ha, thiệt hại chủ yếu là thảm thực bì, lau lách, không thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Trong khi đó năm 2017, Hà Nội đã xảy ra 18 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại đến tài nguyên rừng là 64,45 ha, còn năm 2016 là 21 vụ cháy rừng.
Hà Nội có hơn 27.726 ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố ở 7 huyện, thị xã. Rừng của Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, đồng tuổi, một tầng, cơ cấu loài cây đơn giản (keo, bạch đàn), có thảm thực bì dưới tán dày, phát triển mạnh, độ khô nỏ cao. Đặc biệt, rừng của Hà Nội gắn liền với các công trình văn hóa lịch sử, thường là nơi tổ chức lễ hội, lại xen kẽ với các khu dân cư... là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.
Ðể giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, hàng năm, UBND Thành phố Hà Nội đều ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các địa phương có rừng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hầu hết các vụ cháy rừng đều xảy ra vào thời điểm nắng nóng hoặc hanh khô kéo dài, gió thổi mạnh, dù phát hiện kịp thời nhưng công tác chữa cháy vẫn gặp nhiều khó khăn, các phương tiện chữa cháy chuyên dụng khó tiếp cận hiện trường nên việc phòng cháy, chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ" là rất quan trọng.
Theo ông Chu Phú Mỹ, chính lực lượng tại chỗ sẽ kịp thời phát hiện cháy và chủ động chữa cháy khi lửa chưa lan rộng, nên hiệu quả chữa cháy sẽ cao. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn hạn hẹp nên dụng cụ, trang thiết bị cho lực lượng tại chỗ còn thiếu, đa số là dụng cụ thô sơ như: Cuốc, xẻng, bình bơm nước cỡ nhỏ…
"Cá biệt có trường hợp người dân cố tình lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm gia tăng nguy cơ cháy. Trong khi đó, phần lớn các vụ cháy rừng thời gian qua chưa được xử lý “đến nơi đến chốn” và không tìm ra được đối tượng gây cháy" - ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.
Để công tác phòng, chống cháy rừng hiệu quả, nhất là trong mùa hanh khô, thành phố Hà Nội đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở với nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng... Hiện, Sở Nông nghiệp & PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã có rừng, chủ rừng, lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống trong và gần rừng cùng khách du lịch nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy rừng; phân công các lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi có sự cố./.
NT (Theo Kinh tế đô thị)