Từ thực tế cho thấy, việc thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái này đã khai thác tiềm năng phát triển rất lớn trên địa bàn huyện Đan Phượng, không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn mở ra hướng phát triển mới cho huyện trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách dịp cuối tuần.
Theo ông Nguyễn Hữu Hợi, thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng chia sẻ, do nhận thấy tiềm năng phát triển của mô hình nho Hạ Đen, trên diện tích gần 4 ha, gia đình ông đã trồng 1.500 gốc nho Hạ Đen. Đến mùa thu hoạch, gia đình cũng đã tận dụng cảnh quan, nhu cầu tham quan, chụp ảnh của người dân và thưởng thức sản phẩm đã kết hợp hoạt động sản xuất với khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái. Như vậy, ngoài thu nhập từ việc bán nho, gia đình ông Hợi cũng thu được một phần kinh phí không nhỏ từ hoạt động khai thác du lịch. Dù mới phát triển nhưng những mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái như vậy cũng mở ra tiềm năng rất lớn cho những vùng nông nghiệp ven đô.
Cũng trồng nho Hạ đen, gia đình ông Nguyễn Văn Nội (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng), nhờ sự hỗ trợ của trường Đại học Nông lâm Bắc Giang và Hội Nông dân huyện Đan Phượng, từ năm 2019, hộ gia đình ông Nội đã bắt tay trồng 100 gốc. Tính đến nay, đã mở rộng diện tích lên 1 mẫu, mỗi năm cho 2 vụ quả. Với mức giá bình quân khoảng 130.000 đồng/kg, cho thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ một sào canh tác. Đặc biệt, hiện sản phẩm nho Hạ đen của gia đình ông Nguyễn Văn Nội đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận, cấp 3 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ đó cũng thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Việc trồng nho Hạ đen ngoài mục đích để tạo sản phẩm tiêu thụ, nhiều hộ nông dân tại huyện Đan Phượng đang mở rộng hướng kinh doanh, kết hợp trồng nho và phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm cho khách thập phương.
Ông Trần Văn Bảy, Chủ trang trại HUESA FARM, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng cho hay: Từ thành công của mô hình, huyện Đan Phượng có diện tích đất bãi ven song Hồng phù sa màu mỡ rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp sinh thái. Nhận thấy tiềm năng của hoạt động du lịch sinh thái trải nghiệm, để khai thác hết tiềm năng đất đai, trên diện tích 2,8 ha vùng bãi ven sông, ông Bảy đã đầu tư trên 5 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới; đồng thời xây dựng hệ thống phun sương và tưới nhỏ giọt trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ cung ứng cho người tiêu dùng Thủ đô. Cùng với đó, ông Trần Văn Bảy cũng đang đầu tư hoàn thiện cảnh quan, nơi vui chơi với định hướng liên kết với các trường học để tạo nơi tham quan trải nghiệm các hoạt động dịch vụ nông nghiệp cho các em học sinh.
Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, tiềm năng là rất lớn nhưng để phát triển được theo hướng du lịch nông nghiệp sinh thái cũng cần tháo gỡ các vấn đề liên quan đến chính sách cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng một phần tạo nơi nghỉ dưỡng, ăn uống cho du khách. Hiện nay, huyện Đan Phượng đang đề nghị với thành phố có những biện pháp tháo gỡ để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái trải nghiệm.
Với việc đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển du lịch thì đây sẽ là hướng đi mới để huyện Đan Phượng phát triển bền vững trên diện tích đất nông nghiệp còn lại, kết hợp với việc phát triển cho các làng nghề truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề văn hóa tâm linh, kết nối với tuyến du lịch đường thủy với các địa phương lân cận sẽ tạo nên các tour, tuyến hoàn chỉnh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển.
Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh tập trung. Đối với những vùng trũng, quy hoạch đô thị ở xã Tân Hội và Tân Lập chuyển đổi sản xuất lúa - cá; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và tăng diện tích rau màu tại các vùng bãi sông. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Phát huy các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm hiện có. Đẩy mạnh áp dụng hệ thống sử dụng mã Qr truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông sản. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản nhất là các thương hiệu tập thể cho nông sản của huyện như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, nấm Đan Phượng, sản phẩm chăn nuôi xã Phương Đình, thịt lợn Trung Châu, rau giá xã Trung Châu. Tăng các diện tích các sản phẩm rau hữu cơ, quả VietGap .... nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm./.
TA (Theo Chinhphu.vn)