Trước khi triển khai đề tài tại 2 địa phương này, Trung tâm Khuyến nông đã khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử cũng như các mối nguy sinh học, hoá học của vùng đất trước. Việc tổ chức lấy mẫu đất, nước theo phương pháp hiện hành và được thực hiện bởi người lấy mẫu đã qua đào tạo, cấp chứng chỉ. Mẫu được gửi phân tích, đánh giá về các chỉ tiêu hóa học, sinh học tại các phòng phân tích có đủ năng lực và được so sánh với mức tối đa cho phép về điều kiện sản xuất an toàn. Các hộ tham gia đề tài cũng được tập huấn nắm được kỹ thuật về sản xuất lúa VietGAP và được khuyến cáo về việc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV. Đặc biệt ở cả 2 điểm triển khai đề tài đều được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn cấy lúa theo phương pháp “Hiệu ứng hàng biên” nhằm tạo độ thông thoáng để tăng khả năng đẻ nhánh của lúa và giảm thiểu được các đối tượng sâu bệnh hại.
Theo ông Tạ Đăng Phong, Giám đốc HTX DVNN thôn Gia Phú xã Bình Dương, huyện Gia Bình cho biết: Trồng lúa nếp cái hoa vàng dễ “thắng”, bởi đây là giống lúa có chất lượng gạo ngon và nhu cầu thị trường lớn. Ngoài ra đây còn là giống lúa quý đã được người dân trong tỉnh trồng từ lâu nhưng diện tích, năng suất còn hạn chế và ngày một thu hẹp. Việc áp dụng sản xuất lúa nếp cái Hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP tạo thuận lợi cho việc quy vùng sản xuất tập trung đồng thời giúp người dân thuận tiện hơn trong các khâu chăm sóc lúa, giúp nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Kết quả sau vụ mùa triển khai nhận thấy giống lúa nếp cái Hoa vàng trong đề tài có tỷ lệ đồng đều cao, số hạt chắc trên bông cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá chỉ bị nhiễm rầy nâu và bạc lá nhẹ ở thời kỳ lúa chín. Đặc biệt chất lượng gạo thơm, dẻo hiệu quả kinh tế thu được cho lợi nhuận trên 1,5 triệu đồng/sào cao hơn 1,5-2 lần so với các giống lúa thông thường. Sản phẩm sau khi thu hoạch đã được các kênh bao tiêu thu mua hết thay vì phải thấp thỏm chờ đợi giá cả thị trường như trước.
Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo quy trình VietGAP vừa phát huy được lợi thế về truyền thống sản xuất lúa, gạo trên địa bàn tỉnh vừa giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường và là hướng đi đúng đắn cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân đầu tư vào sản xuất, sơ chế, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP trên điạ bàn tỉnh. Đồng thời có các biện pháp hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho vùng sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn của quy trình VietGAP./.
Nguyễn Công Cường - Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh