Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả một năm thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”

Ngày 02/3/1993, hệ thống khuyến nông chính thức được thành lập theo Nghị định số 13/CP của Chính phủ. Cùng với tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp, hệ thống khuyến nông từng bước được xây dựng, phát triển từ trung ương tới cơ sở. Đến năm 2015, tổng số cán bộ khuyến nông các cấp trên toàn quốc là 36.812 người (trong đó: cấp trung ương là 92 người, cấp tỉnh là 2.114 người, cấp huyện là 4.347 người, cấp xã là 8.880 người, cấp thôn bản là 21.379 người) và khoảng 3.000 câu lạc bộ khuyến nông với số lượng hàng trăm ngàn thành viên trong cả nước.



Hệ thống khuyến nông đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Là cầu nối giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ nông dân và thị trường, đồng thời là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân.

   Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác khuyến nông hiện đang gặp những khó khăn, thách thức, đó là tình trạng “đứt gãy” làm hệ thống khuyến nông suy yếu và thiếu tính liên kết bền vững bởi trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18, 19-NQ/TW do không có văn bản hướng dẫn nên các địa phương thực hiện không đồng bộ, thống nhất (có 33/63 tỉnh tiến hành sắp xếp Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh; 02 tỉnh giải thể Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh; 36/63 tỉnh đã hợp nhất Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, Trạm Thú y để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện; nhiều tỉnh đã giải thể đội ngũ khuyến nông viên xã, cộng tác viên khuyến nông thôn bản). Công tác khuyến nông còn nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp còn hạn chế, đặc biệt thiếu các kiến thức, kỹ năng như quản lý kinh tế, quản trị, marketing,…

Ngày 08/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó chỉ tiêu 13.5 quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải “có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả”. Cùng với việc thực hiện đề án phát triển 05 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác khuyến nông cần được kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ); đồng thời đa dạng hóa chức năng, loại hình hoạt động khuyến nông, phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng, triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” tại 13 tỉnh thí điểm gồm Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Đây là nhiệm vụ cần thiết nhằm củng cố hệ thống khuyến nông góp phần thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Quá trình thực hiện Đề án gồm các bước: Xây dựng và ban hành qui chế mẫu về hoạt động của tổ KNCĐ (là cơ sở để các tỉnh tham khảo xây dựng quy chế hoạt động của tổ KNCĐ phù hợp với điều kiện từng địa phương); Tổ chức hội thảo, toạ đàm tại từng tỉnh tham gia Đề án (bàn về xây dựng qui chế hoạt động tổ KNCĐ, các bước thành lập tổ KNCĐ); Khuyến nông 13 tỉnh triển khai thành lập các tổ KNCĐ; Lãnh đạo Sở các tỉnh ban hành quyết định thành lập; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho tổ KNCĐ đã thành lập.

Kết quả thực hiện các nội dung của Đề án năm 2022: Sở Nông nghiệp và PTNT của 13 tỉnh thí điểm đã có quyết định ban hành qui chế mẫu cho các tổ KNCĐ (mỗi tỉnh 2 tổ), đồng thời Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã ban hành quyết định (Số 259/QĐ-KN-TCHC) về việc công nhận 26 tổ KNCĐ thí điểm và các qui chế hoạt động; Đã tổ chức 13 cuộc tọa đàm (mỗi tỉnh 1 cuộc) với 1.024 đại biểu tham gia; Tổ chức 26 lớp tập ToT nâng cao kiến thức về phát triển hợp tác xã, marketing phát triển thị trường và kiến thức về kỹ thuật cho 400 học viên; Tổ chức 04 hội thảo vùng triển khai đề án với hơn 1.000 đại biểu; Xây dựng 13 clip giới thiệu về quá trình thành lập và hoạt động của các tổ KNCĐ; Xây dựng được 05 bộ tài liệu tập huấn và in ấn 700 bộ tài liệu cho các tỉnh để đào tạo KNCĐ. Ngoài ra đã có thêm 12 tỉnh nằm ngoài Đề án thí điểm đã thành lập các tổ KNCĐ (Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng…).

Đánh giá kết quả thực hiện năm 2022 cho thấy, hầu hết các tỉnh vùng thí điểm Đề án đã thống nhất sự cần thiết và nguyên tắc hoạt động của tổ KNCĐ, đồng thời nhận thức được sự cần thiết phải củng cố, hoàn thiện hệ thống khuyến nông cơ sở từ việc kiện toàn các tổ chức đã có trên nguyên tắc không tăng biên chế của khuyến nông tỉnh; không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức bộ máy khuyến nông tỉnh; hạn chế phát sinh kinh phí chi cho bộ máy. Đa số các tỉnh đã đồng thuận và tổ chức thực hiện theo quan điểm tổ KNCĐ là bộ phận thuộc hệ thống khuyến nông tỉnh. Các tổ KNCĐ được hình thành linh hoạt, không khuôn mẫu, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Một số tổ KNCĐ bước đầu đã cung cấp dịch vụ khuyến nông và có thu nhập từ dịch vụ. Từ hiệu ứng tích cực ban đầu, một số tỉnh ngoài vùng đề án thí điểm đã củng cố hệ thống khuyến nông cơ sở thông qua xây dựng tổ KNCĐ ở các xã do nhận thức được sự cần thiết và chức năng của tổ KNCĐ trong xây dựng nông thôn mới…

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực trên vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Đề án như: Việc thảo luận, xây dựng qui chế KNCĐ chưa thực sự dân chủ nên đôi khi còn mang tính hành chính. Do mới được thành lập và đi vào hoạt động nên các tổ KNCĐ còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động (chưa thực hiện được 4 nhóm nhiệm vụ: Liên kết thị trường, tư vấn HTX, đào tạo nông dân số và nhiệm vụ khác) mà chủ yếu làm nhiệm vụ kết nối các bên. Các thành viên trong tổ còn hạn chế về kiến thức, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị HTX, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số nông nghiệp. Trang thiết bị và kinh phí để thực hiện nhiệm vụ còn thiếu. Thiếu sự quản lý tổ khuyến nông cộng đồng (giám sát hoạt động, chế độ báo cáo và kiểm tra hoạt động của tổ)…

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án trong những năm tiếp theo cần thực hiện tốt một số nội dung: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả, tác động của khuyến nông cộng đồng; Đánh giá việc thành thành lập và hoạt động của tổ KNCĐ để xây dựng qui chế mẫu nhân rộng trong giai đoạn tới; Tiếp tục hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng đã thành lập thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ; Hướng dẫn các địa phương nhân rộng mô hình, xây dựng các chương trình đào tạo, thu hút nguồn lực địa phương hỗ trợ hoạt động KNCĐ; Các địa phương cần có cơ chế chính sách cụ thể cho tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả; Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ KNCĐ; Trang bị các thiết bị, đồ dùng cần thiết cho tổ KNCĐ hoạt động và thực hiện nhiệm vụ./.

Minh Trí – TTKN Quảng Ninh