Vụ Xuân 2019, thực hiện kế hoạch sản xuất của UBND huyện, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai mô hình trình diễn một số giống lúa mới năng suất, chất lượng tại 6 xã, thị trấn, gồm: Bích Hòa, Thanh Mai, Đỗ Động, Kim Thư, Hồng Dương và Thị trấn Kim Bài. Các giống lúa trình diễn là: J02, HDT10, Bắc Hương 9, Dự Hương và TBR279. Đây là 5 giống lúa chịu thâm canh, khả năng thích ứng rộng và chống chịu sâu bệnh tốt nên hạn chế được việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất. Bà con tham gia mô hình được huyện Thanh Oai hỗ trợ 50% giống và 30% vật tư, phân bón.
Là một trong 6 xã tham gia mô hình, vụ Xuân vừa qua, xã Đỗ Động đã lựa chọn giống lúa TBR 279 để triển khai mô hình trình diễn. Đây là giống lúa thuần do Công ty CP Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo, được công nhận giống quốc gia năm 2019. Mô hình có quy mô 5ha với 60 hộ tham gia. Qua theo dõi, ghi chép quá trình thực hiện cho thấy: Giống lúa TBR 279 có thời gia sinh trưởng ngắn (119 ngày), khả năng đẻ nhánh (6,4 bông/khóm), số hạt chắc/bông (208 hạt/bông), bộ lá to và dầy, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt. Đối với hiệu quả sản xuất, năng suất thu hoạch ước đạt 61 tạ/ha; gạo trong, cơm ngon, mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng, đáp ứng được nhu cầu sản xuất gạo chất lượng của nông dân và thị trường.
Tại Hội nghị tổng kết mô hình trình diễn giống lúa mới vụ Xuân 2019 trên địa bàn huyện Thanh Oai, bà con đều cho rằng, vụ Xuân vừa qua, thời tiết không thuận lợi, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa vụ Xuân. Tuy nhiên, các giống lúa được lựa chọn cấy trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Năng suất dự kiến đều đạt cao hơn so với giống đối chứng là Bắc thơm số 7, cụ thể: TBR 279 đạt 61 tạ/ha; Bắc Hương 9(59,4 tạ/ha); Dự Hương (59 tạ/ha); J02 (57,5 tạ/ha); trong khi Bắc thơm số 7 đạt 51,1tạ/ha. Bà con rất phấn khởi.
Thời gian qua, huyện Thanh Oai đã triển khai hiệu quả chương trình sản xuất lúa hàng hóa và trở thành vùng trồng lúa chất lượng cao trọng điểm của Hà Nội. Nhờ đó, Thanh Oai không những duy trì được diện tích đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực mà còn giúp nông dân nâng cao thu nhập. Hiện huyện Thanh Oai đang duy trì diện tích 10.000ha trồng lúa chất lượng cao mỗi năm. Dựa trên quy hoạch phát triển vùng lúa bền vững đã được TP phê duyệt, huyện đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Theo đó, huyện ưu tiên cho việc tập trung sản xuất thử nghiệm nhằm tìm ra giống lúa có năng suất, chất lượng ổn định để nâng cao hơn nữa hiệu quả canh tác cho nông dân. Kết quả của mô hình giúp bà con so sánh với giống lúa Khang Dân 18, Bắc Thơm số 7 về khả năng thích ứng, tính chống chịu sâu bệnh và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, huyện có thêm lựa chọn giữa các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương.
Đến nay, Hà Nội đã tổ chức được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô trên 100 ha tại 86 Hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện ngoại thành, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20-30% so với lúa truyền thống. Việc các địa phương đẩy mạnh sản xuất các giống lúa năng suất, chất lượng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao Hà Nội. Bên cạnh đó, sự đồng hành của các công ty giống cây trồng đã không ngừng cung cấp các giống lúa triển vọng phục vụ bà con, từ đó, các địa phương cũng có thêm nhiều lựa chọn để phục vụ công tác khảo nghiệm./.
Lưu Phượng