Trên cơ sở các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu và kết quả kiểm tra thực tiễn tại các địa phương cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020 ngành chăn nuôi, thú y đã đạt được những kết quả rất tích cực như tăng trưởng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhanh và toàn diện; hoạt động quản lý nhà nước đang được thông suốt, các cơ quan thú y, chăn nuôi đã làm tốt công tác nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, hoạt động dịch vụ thú y rất hiệu quả, nhiều địa phương đã hết dịch, số lượng động vật mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy chiếm tỷ lệ rất nhỏ, có sự tham gia tích cực và hiệu quả các doanh nghiệp, người dân trong các hoạt động chăn nuôi, thú y, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, cơ bản đảm bảo đàn lợn giống để thực hiện tái đàn.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là. Những tháng cuối năm, nguy cơ cao các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan, nhất là các bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồng long móng và các dịch bệnh khác trên động vật,…chủ yếu do một số nguyên nhân do tổng đàn vật nuôi và mật độ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, số lượng thủy cầm tăng cao, nhiều cơ sở chăn nuôi không áp dụng các biện pháp an ninh sinh học, chưa chủ động phòng bệnh bằng vắc xin, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, cực đoan, mưa lớn, thời gian tới rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh có thể bùng phát dịch… nếu không quản lý tốt, con giống kém chất lượng sẽ gây nguy cơ dịch bệnh xảy ra.
Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt các loại dịch động vật, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh động vật theo đúng các quy định Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, trong đó tập trung vào nội dung chủ yếu về phương châm phòng bệnh là chính, tổ chức rà soát, tiêm vắc xin phòng các bệnh cho vật nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ tối đa trên từng đối tượng thuộc diện tiêm phòng, thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho các đàn vật nuôi mới nhưng chưa được phòng bệnh bằng vắc xin hoặc đã được tiêm phòng nhưng hết thời hạn bảo hộ, tổ chức giám sát sau tiêm phòng.
Tiếp tục tổ chức giám sát chủ động để phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý các trường hợp vật nuôi bị bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm, bệnh buộc thuộc diện phải công bố dịch, phân tích chuyên sâu đối với các tác nhân gây bệnh để có cơ sở đề ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, khuyến cáo lựa chọn các loại vắc xin phù hợp và hiệu quả.
Tổ chức triển khai có hiệu quả Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường; Hướng dẫn áp dụng quy trình an toàn sinh học ở tất cả các khâu, công đoạn trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn, đáp ứng yêu cầu về phòng bệnh.
Hướng dẫn, hỗ trợ để đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí để triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản ngay từ đầu năm 2021; Làm tốt công tác khuyến nông, truyền thông về chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống, dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, quản lý thị trường, quản lý vận chuyển động vật khu vực biên giới; chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị liên quan về phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về xin ý kiến góp ý, tiếp thu, hoàn thiện để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồng, long móng, giai đoạn 2021 – 2025. Tham mưu, xây dựng và báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên tôm và cá tra, giai đoạn 2021 – 2025”.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi, nuôi trồng bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán, hỗ trợ xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Chuẩn bị kỹ các nội dung và báo cáo Bộ phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức triển khai, giám sát, tổ chức hội thảo về việc thi hành pháp luật về thú y, xin ý kiến, tiếp thu, hoàn thiện Đề án tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030…
Đặng Diện (tổng hợp)