Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Phúc Thọ: Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh

Huyện Phúc Thọ vừa rà soát kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND TP Hà Nội về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.



Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, năm 2015, huyện Phúc Thọ đã triển khai thực hiện hỗ trợ chương trình sản xuất lúa chất lượng với diện tích 450 ha với kinh phí gần 554 triệu đồng. Năm 2016, huyện tiếp tục hỗ trợ đối với vùng chuyên canh lúa 1.100 ha với kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ vùng chuyên canh hoa 2 ha với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng; vùng chuyên canh rau 21,4 ha với kinh phí mua thuốc sinh học gần 168 triệu đồng; xử lý chất thải trong chăn nuôi với quy mô 5.000 con.

Tương tự, năm 2017, huyện Phúc Thọ đã hỗ trợ vùng chuyên canh lúa 655 ha với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó mua lúa giống 200 ha và phòng dịch bệnh gần 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ vùng chuyên canh hoa 4,5 ha với kinh phí gần 568 triệu đồng; vùng chuyên canh rau 21,4 ha với kinh phí gần 355 triệu đồng; mua thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, và hỗ trợ lắp đặt vùng chuyên canh lúa 885 ha với kinh phí 973,5 triệu đồng...

Ông Nguyễn Việt Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, nhờ kinh phí hỗ trợ, sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như vùng sản xuất lúa chất lượng có giá trị kinh tế cao hơn so với các giống lúa thuần từ 5 đến 7 triệu đồng/ha. Việc triển khai đưa giống lúa chất lượng vào sản xuất còn tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc phòng trừ sâu bệnh. Thay đổi tập quán của nông dân trong việc sử dụng các giống cũ, giống năng suất chất lượng thấp, phù hợp với thị trường hiện nay...

Tương tự, với vùng sản xuất rau của huyện Phúc Thọ đã hướng đến sản xuất rau an toàn; tạo thói quen cho nông dân sử dụng thuốc sinh học vào sản xuất ngày một nhiều hơn. Còn Chương trình sản xuất hoa của huyện đã hình thành được vùng chuyên canh đem lại giá trị kinh tế cao, thu nhập từ trồng hoa chất lượng đạt từ 600 đến 800 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ gia đình trồng hoa lily cho thu nhập từ 1,7 đến 2 tỷ đồng/ha.

Ông Nguyễn Việt Liên cho biết thêm, trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Phúc Thọ đề xuất thành phố bổ sung thêm một số vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn theo Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND thành phố. Cụ thể, vùng sản xuất lúa chất lượng tại xã Long Xuyên và Liên Hiệp; vùng chuyên hoa, cây cảnh tại xã Tích Giang; vùng chăn nuôi lợn tại các xã Tích Giang, Sen Chiểu, Võng Xuyên, Cẩm Đình, Long Xuyên, Phụng Thượng, Hát Môn; vùng chăn nuôi gia cầm tại các xã Thanh Đa, Tam Thuấn, Phụng Thượng, Ngọc Tảo, Thượng Cốc, Vân Phúc, Phương Độ, thị trấn Phúc Thọ; vùng nuôi thủy sản tại các xã Long Xuyên, Thượng Cốc, Ngọc Tảo, Phụng Thượng, Phúc Hòa, Võng Xuyên; trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn từ 6 trang trại tăng lên 20 trang trại và 6 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các xã Thọ Lộc, Vân Phúc, Hát Môn, Hiệp Thuận, Ngọc Tảo, Sen Chiểu bổ sung quy hoạch điểm giết mổ tập trung trên địa bàn huyện Phúc Thọ./.

TT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)