Nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ
Hơn một năm trước, ông Nguyễn Văn Mỡ (xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ) quyết định chuyển đổi những diện tích sản xuất hoa ven sông Đáy sang trồng nho hạ đen.
Hệ thống nhà màng, nhà lưới đã được đầu tư để trồng hoa từ trước đó. Quy trình trồng nho hạ đen tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn VietGAP. Khu vườn được cấp nguồn nước tưới chủ động theo kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước. Các điều kiện ngoại cảnh như nhiệt độ, ánh sáng cũng được chủ động điều tiết.
Hiện, gần 1.500m2 trồng nho hạ đen của ông Mỡ đã được Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là sự khẳng định về tiêu chuẩn chất lượng, và cũng nhờ đó, việc tiêu thụ nho hạ đen của ông Mỡ rất thuận lợi, sản phẩm không lo đầu ra, thậm chí không có đủ để bán.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, mô hình trồng nho hạ đen ven sông Đáy của ông Nguyễn Văn Mỡ là một trong những điểm sáng của huyện trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sinh thái.
“Trong 15 năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ của UBND TP, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, huyện đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Qua đó, hình thành lên nhiều mô hình canh tác nông nghiệp ứng dụng đồng bộ khoa học - kỹ thuật và cấp mã vùng trồng cho nhiều nông sản như: chuối, hành, rau…” - bà Phương nói thêm.
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết thêm, hiện tại, toàn huyện Phúc Thọ có 480 ha rau an toàn tập trung; 454 ha hoa cây cảnh, 1.002 ha cây ăn quả; 28 ha diện tích ứng dụng công nghệ cao; 3.063 ha lúa chất lượng cao (lúa thơm và lúa nếp); hình thành 8 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp.
Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như: bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp; thịt lợn rừng của Công ty TNHH Nguyên Hưng, thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú…
Hướng tới nông nghiệp bền vững
Trong 15 năm qua, huyện Phúc Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn 2010 - 2015, 2016 - 2020 và Chương trình số 04-CTr/TU giai đoạn 2021 - 2025 của Thành uỷ Hà Nội.
Mới đây, nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, trên cơ sở lợi thế so sánh, UBND huyện đã ban hành đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn huyện Phúc Thọ”.
Theo đề án, huyện phấn đấu năm 2025 có 1.235ha lúa chất lượng cao sản xuất tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm “Gạo Phúc Thọ”. Đồng thời phát triển được 345ha rau an toàn; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, ưu tiên phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Đối với vùng trồng cây ăn quả, huyện sẽ có 785ha trên cơ sở phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả hiện có và hình thành, mở rộng các vùng trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung với diện tích từ 50ha/vùng…
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, trên cơ sở mục tiêu của Đề án, thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất công nghệ cao và an toàn thực phẩm.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng, liên kết phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thí điểm cửa hàng kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của huyện…
“Trên cơ sở kết quả đã đạt được, khai thác tối đa lợi thế, Phúc Thọ đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng tới nông nghiệp bền vững, phấn đấu phát triển thành “vành đai xanh” của Thủ đô theo đúng định hướng quy hoạch của TP Hà Nội…” - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh./.
NT (Theo Báo KTĐT)