Theo đó, tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện là hơn 5.020 ha, trong đó: Rừng đặc dụng hơn 3.493 ha, rừng sản xuất hơn 1.526ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay đang được quản lý bởi các đơn vị vũ trang, UBND các xã, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng, huyện Mỹ Đức gặp không ít khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Chẳng hạn như: Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng của một số xã có rừng còn hạn chế. Trên địa bàn huyện có một số chủ rừng là đơn vị quân đội, UBND cấp xã, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội tham gia quản lý diện tích rừng của huyện và do đặc thù quản lý riêng của các chủ rừng nên việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, một số diện tích rừng trên địa bàn huyện đã giao khoán cho các tổ, đội, một số diện tích giao cho các hộ sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế và nâng mức thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Trong phân cấp thì cấp huyện quản lý rừng sản xuất, nhưng thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng từ loại rừng này sang loại rừng khác quyết định chuyển đổi rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích sử dụng khác theo quy định của pháp luật lại do thành phố quyết định. Việc phân loại rừng trên địa bàn huyện còn bất cập, diện tích rừng sản xuất hiện tại của Mỹ Đức chủ yếu là núi đá, cây bụi rải rác.
Trước thực trạng trên, huyện Mỹ Đức đề xuất UBND TP Hà Nội giữ nguyên diện tích rừng đặc dụng trên địa bàn huyện với diện tích hơn 3.493ha ở 4 xã (Hương Sơn, Hùng Tiến, An Tiến, An Phú). Đồng thời, thành phố tiếp nhận quản lý và chuyển đổi diện tích hơn 1.385ha trên địa bàn các xã Tuy Lai, Hồng Sơn, Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú của huyện là đất rừng sản xuất sang đất rừng đặc dụng. Đối với diện tích hơn 141ha ở các xã An Phú, Hợp Tiến, Thượng Lâm là đất rừng sản xuất, giao huyện Mỹ Đức tiếp tục quản lý./.
TT (Nguồn Cổng GTĐT Hà Nội)