Bám sát Chương trình sô 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; Huyện ủy – HĐND – BCĐ chương trình xây dựng NTM của huyện, UBND huyện Gia Lâm đã tập trung chỉ đạo quyết liệt cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, việc triển khai Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng; cán bộ, đảng viên, nhân dân đã nhận thức sâu sắc hơn về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM.
Huyện Gia Lâm đã tập trung tối đa mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Giai đoạn từ năm 2010 -2018 huyện đã bố trí 4.394 tỷ đồng tập trung đầu tư: xây dựng, cải tạo, nâng cấp 227km đường giao thông trục xã, liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; nâng cấp cải tạo 68km kênh mương cấp 3; đầu tư đồng bộ 411,8km hệ thống chiếu sáng; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 151 điểm trường học; thực hiện xây dựng mới 03 trung tâm văn hóa tại các xã; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 188 lượt nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; xây dựng mới hệ thống truyền thanh không dây tại 20/20 xã, xây dựng 12 điểm thu gom rác thải và 02 công trình xử lý nước thải, rác thải;…
Đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt trên 1.066 tỷ đồng (giá so sánh); giá trị sản xuất nông nghiệp /1 ha canh tác (giá thực tế) năm 2018 đạt 306 triệu đồng/ha (tăng 198 triệu đồng/ha so với năm 2010). Với sự tập trung công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hành hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2016 -2020 và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, hiện huyện Gia Lâm đã và đang xây dựng uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, đồng thời tổ chức, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn huyện đã hình thành 18 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và triển khai việc ký kết hợp đồng đảm bảo tiêu thụ rau, quả an toàn. Các sản phẩm này được tiêu thụ trong các quận nội thành, các tỉnh (Hà Tĩnh, Lào Cai,….) và xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,…Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Gia Lâm theo quy hoạch vùng sản xuất đã được phê duyệt gồm: rau, quả, sữa bò tươi. Theo đó, diện tích rau an toàn là 407 ha, tập trung tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên, Lệ Chi với tổng sản lượng khoảng 90.169 tấn/năm, trong đó, liên kết và ký kết tiêu thụ đạt 18.040 tấn/năm, chiếm 20% sản lượng; Diện tích vùng cây ăn quả an toàn 1.312,63ha, với các chủng loại bao gồm: cam, chuối, ổi, bưởi,…tại các xã chuyên canh tập trung: Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Kim Sơn, Phú Thị, Lệ Chi, Đông Dư,…; Quy mô đàn bò sữa tập trung tại các xã Phù Đổng, Dương Hà, Trung Mầu,…với sản lượng sữa bò tươi bình quân đạt 10.000 tấn/năm, trong đó liên kết và ký kết tiêu thụ đạt 8.000 tấn/năm, chiếm 80% sản lượng. Các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm đã giúp người sản xuất ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần đảm bảo chất lượng, ATTP, tạo uy tín thương hiệu sản phẩm nông nghiệp huyện Gia Lâm.
Với nhiều giải pháp trọng tâm, những năm qua, chương trình NTM của huyện Gia Lâm đã đạt được những kết quả nổi bật. Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng NTM đạt kết quả cao, như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, trải nhựa apphal; 100% đường ngõ xóm trên 2m có điện chiếu sáng; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (trong đó, có 75,43% hộ sử dụng nước sạch)…; thu nhập bình quân đạt 47,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,56%. Theo kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2019-2020, huyện Gia Lâm sẽ duy trì tiêu chí huyện NTM theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; đồng thời thực hiện các giải pháp để đạt các chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đáp ứng tiêu chí chuẩn đơn vị hành chính quận theo lộ trình Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2020./.
Lưu Phượng