Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Chương Mỹ phát triển nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị nông sản an toàn và bền vững

Tập trung phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, huyện Chương Mỹ đã và đang xây dựng vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn và bền vững.



   Chương Mỹ là huyện phía Tây Nam của thủ đô Hà Nội. Huyện có 30 xã và 02 thị trấn, gần 69.500 hộ dân, với trên 33 vạn người, trong đó số hộ nông nghiệp chiếm 32,5%. Diện tích đất nông nghiệp trên 14.000ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 9.050ha, diện tích trồng cây hàng năm khác là gần 1.298ha, diện tích cây ăn quả 1.244ha, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 1.800ha. Tổng giá trị sản xuất của huyện năm 2017 đạt 21.140 tỷ đồng, trong đó giá trị ngành nông nghiệp đạt 4.128 tỷ đồng.

  Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp lớn, nguồn lao động dồi dào, cần cù, chăm chỉ và bước đầu đã được đào tạo, nông nghiệp của huyện Chương Mỹ trong những năm qua đã có bước phát triển ổn định. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sinh thái trong sản xuất, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo Nghị quyết 25/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Chương Mỹ đã xây dựng các chương trình đề án nông nghiệp chuyên canh tập trung theo vùng, xã trọng điểm gắn với chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định và hướng tới một nền nông nghiệp an toàn gắn với thị trường.

  Nghị quyết của Huyện ủy        Chương Mỹ tại đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII năm 2015 về lĩnh vực nông nghiệp đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, với nhiệm vụ xây dựng mỗi vùng, mỗi xã một sản phẩm thế mạnh, đặc trưng gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Năm 2017, huyện Chương Mỹ đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung gồm: Chương trình lúa hàng hóa chất lượng cao; Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; Đề án phát triển cây ăn quả chất lượng cao; Chương trình phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung. Trong đó, tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực: rau an toàn, bưởi VietGAP, lúa hữu cơ,…gắn với phát triển chuỗi giá trị để giải quyết tình trạng được mùa mất giá thường xảy ra và xây dựng vùng nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu về thị trường nông sản chất lượng cao và đảm bảo ATTP.

Huyện Chương Mỹ đã hình thành được vùng sản xuất lúa chất lượng cao 3.130ha. Sản xuất lúa trên địa bàn huyện đang từng bước được cơ giới hóa đồng bộ. Bên cạnh việc hỗ trợ của UBND thành phố theo chính sách của Nghị quyết 25/2013, huyện hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất mạ công nghiệp tập trung để cung ứng mạ khay cấy máy cho vùng chuyên canh tập trung 3.000ha; phát triển sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi với diện tích quy hoạch 300ha. Năm 2017, đã sản xuất được 45ha, sản lượng trên 200 tấn lúa hữu cơ, cung cấp thị trường gần 100 tấn gạo theo chuỗi, thương hiệu gạo hữu cơ PAMCI Đồng Phú đã có mặt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với chương trình phát triển lúa chất lượng cao, phát triển sản xuất rau an toàn được huyện Chương Mỹ xác định là một trong những thế mạnh để tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Với diện tích trồng rau là 270ha, đến nay vùng sản xuất rau tập trung chuyên canh đã được UBND thành phố đầu tư hạ tầng đồng bộ gồm đường giao thông, điện phục vụ sản xuất, hệ thống tưới và nhà sơ chế đáp ứng nhu cầu sản xuất rau an toàn và sơ chế đóng gói sản phẩm. Để quản lý minh bạch nguồn gốc xuất xứ rau tại vùng rau Chúc Sơn, UBND huyện Chương Mỹ đã phối hợp với Viện công nghệ và phát triển giáo dục triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giám sát sự minh bạch truy xuất nguồn gốc ra VietGAP bằng hệ thống tem truy xuất điện tử, bước đầu đã ứng dụng thành công tại HTX rau quả sạch Chúc Sơn, phát triển chuỗi tiêu thụ rau cho 2 hệ thống siêu thị Big C và T.Mart, các bệnh viện lớn và cửa hàng tại Hà Nội, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô.

Với lợi thế vùng đất đồi gò, UBND huyện Chương Mỹ đã quy hoạch vùng chuyên canh cây bưởi gốc Diễn với diện tích 500ha. Đến nay, vùng trồng tập trung, chuyên canh bưởi Diễn đã phát triển được 561ha, trong đó diện tích đang cho quả là 225ha, tập trung ở các xã vùng đồi gò trên địa bàn huyện. Năm 2017, 90% diện tích bưởi của huyện năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha, vùng sản xuất chuyên canh đạt 28 tấn/ha, sản lượng ước đạt 4.500 tấn, chất lượng quả bưởi đã được nâng lên rõ rệt. Cơ bản 100% diện tích bưởi của Chương Mỹ đã triển khai áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thương hiệu “Bưởi Chương Mỹ” đã tiếp cận đến người tiêu dùng Thủ đô thông qua liên kết 4 nhà, góp phần thúc đẩy sản xuất bưởi Chương Mỹ ngày càng phát triển, làm giàu cho người nông dân.

Có thể khẳng định, qua 5 năm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung và từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng mỗi làng một sản phẩm, chuyển từ sản xuất truyền thống sang phát triển các loại cây đặc sản chất lượng cao, sản xuất bước đầu được kết nối với thị trường theo chuỗi giá trị. Thông qua các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung và xây dựng phát triển các chuỗi giá trị nông sản đã giúp người nông dân, các trang trại tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích áp dụng VietGAP ngày một tăng, nông nghiệp sinh thái đã được chú trọng, môi trường sống được cải thiện.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững của huyện Chương Mỹ còn có những khó khăn, một số tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng hạ tầng, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất còn khó khăn, hạn chế. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm còn nhiều bất cập, sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng còn ít, việc xây dựng phát triển các chuỗi giá trị nông sản chưa đáp ứng nhu cầu. Các Hợp tác xã còn chưa thực sự đổi mới, chưa chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản nên việc phát triển chuỗi nông sản trên địa bàn huyện còn chậm, người nông dân đang rất cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước và sự đổi mới vào cuộc tích cực của các Hợp tác xã.

Thực hiện Nghị quyết của Ban thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ về phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025. Phát huy những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình nông nghiệp chuyên canh tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản của huyện, thời gian tới UBND huyện Chương Mỹ tiếp tục có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện xây dựng vùng nông nghiệp tập trung, chuyên canh gắn với phát triển chuỗi giá trị nhằm tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện. Trong đó, sẽ tập trung ứng dụng và huy động nguồn lực về khoa học, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện việc cơ giới hóa đồng bộ trong chăn nuôi và trồng trọt; Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện; Hỗ trợ và củng cố hoạt động của các Hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển nhanh chuỗi giá trị nông sản các sản phẩm chủ lực gắn với thị trường. Phấn đấu trong 5 năm tới nông gnhieepj Chương Mỹ có sự bứt phán về chất lượng, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị thặng dư cao, tăng nhanh giá trị trên đơn vị canh tác, đem lại thu nhập cao cho người nông dân, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII của Huyện ủy Chương Mỹ./.

                                                                                                                                                                 Lưu Phượng