Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Chương Mỹ: Người giữ lửa cho nghề đan mây, tre

Nhìn những tác phẩm chân dung, tranh phong cảnh làng quê, hoành phi câu đối được làm từ sợi mây, thanh tre do nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh ở làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang hết sức độc đáo và mới lạ khiến người xem không khỏi trầm trồ và tán phục bởi đôi bàn tay kéo léo và tài hoa của nghệ nhân.



Đặc biệt, trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sản phẩm mây tre đan của công ty TNHH Việt Quang (của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh) còn vinh dự được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt 4 sao.

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh có từ thế kỉ thứ XVII, nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh tế, hàng trăm mẫu mã, thể loại khác nhau. Chính vì vậy, nghề như đã thấm vào từng bữa ăn giấc ngủ của ông ngay từ khi còn nhỏ.

Bây giờ đã bước vào "tuổi xưa nay hiếm", mái đầu bạc trắng, khuôn mặt đã hằn rõ những vết nhăn của thời gian nhưng không làm tắt đi ngọn lửa đam mê trong mắt ông khi nói đến mây tre đan. Ông chia sẻ, ngay từ lúc 5-6 tuổi đã gắn bó với đan lát, giúp đỡ bố mẹ những công việc nhỏ như xếp nan. Dần dần, bằng sự quan sát, mày mò làm theo, ông đã làm ra được các loại rổ, giỏ xách đơn giản và cho đến bây giờ là tranh chân dung, hoành phi câu đối…

Chỉ từ những sợi mây, thanh tre trắng phau, với đôi bàn tay như có thần nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh có thể tạo ra những mặt hàng đẹp mắt, hấp dẫn nhiều khách hàng. Những sản phẩm mây tre đan của ông không chỉ là các mặt hàng đơn giản như: rổ, giỏ xách, khay đựng ấm chén… mà còn là các tác phẩm tranh chân dung, tranh phong cảnh, hoành phi câu đối độc đáo và mới lạ. Bên cạnh việc sử dụng làm vật đựng, đồ dùng, đồ chơi, các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh còn thu hút bởi tính nghệ thuật đặc sắc.

Giữa không gian bộn bề tại xưởng đan nhỏ, nghệ nhân Tĩnh đưa đôi mắt hướng về các sản phẩm mây tre đan rồi lại nhìn chúng tôi trò chuyện. Ông kể, bản thân ông không biết chính xác thời gian nghề đan mây tre xuất hiện, chỉ biết cách đây khoảng hơn 400 năm, người dân làng Phú Vinh đã truyền dạy cho nhau nghề này. Đến bây giờ, sống ở làng này không ai là không biết, không ai là không quen với mùi mây, mùi tre và nghề đan lát.

Đối với người đàn ông tóc bạc hàng chục năm gắn bó với mây, tre, nghề đan lát đã trở thành một thói quen ngấm vào máu thịt. Mỗi ngày không ngửi mùi tre, không nghe tiếng chuốt nan, không thấy các sản phẩm mây, tre đan thì ông không chịu được. Đó không chỉ là thói quen của riêng nghệ nhân Tĩnh mà dường như đã trở thành tập quán chung của người dân làng Phú Vinh.

Vừa nói, cặp chân mày của ông Tĩnh co lại, ông say sưa kể về những ngày bắt đầu mới vào nghề cho đến lúc trở thành một nghệ nhân. Ông cho biết, trước đây khi chưa có thiết bị hỗ trợ, quá trình thực hiện các sản phẩm mây tre đan mất nhiều thời gian và khó khăn hơn nhiều. Để làm được một chiếc rổ ông phải tự tay thực hiện từng bước từ cắt, chẻ, chuốt nan đến ngâm, luộc và phơi khô. Khó khăn nhất là chống ẩm mốc, mối mọt cho các sản phẩm mây, tre đan do phải theo cách cổ truyền là luộc nguyên liệu trước khi đưa vào đan, tiêu tốn nhiều thời gian hoàn thiện sản phẩm. Hiện tại nhờ tiến bộ khoa học công nghệ, các khâu này đã được được cơ giới hóa, giúp người thợ phần nào đỡ vất vả trong quá trình chế tạo sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh là hộ đan mây, tre duy nhất có bốn đời được phong nghệ nhân ưu tú. Nối nghiệp cha là nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, ông tiếp tục giữ vững và từng bước nâng tầm các sản phẩm mây tre đan, thành công đưa mây tre đan tiến thẳng vào lĩnh vực trang trí nội thất. Với ông, niềm vui và sự tự hào lớn nhất của người truyền nghề là lúc học trò, con trai Nguyễn Phương Quang được vinh danh là nghệ nhân ưu tú; đồng thời, chế tác ra lọ lục bình cao 4,1m dâng tặng Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

Trải qua hàng trăm năm phát triển, nghề đan, mây tre cũng có những bước thăng trầm theo thời gian. Đã có những lúc nghề chững lại do nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi. Khi đó, nghệ nhân Tĩnh lại phải đi tìm và tháo gỡ những nút thắt khó khăn của nghề để mở một lối đi mới cho mây tre đan. Đặc biệt, ông luôn chú trọng công tác truyền dạy nghề để đào tạo ra một thế hệ mới, trẻ, năng động và sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, các sản phẩm mây, tre đan vốn đòi hỏi kỹ thuật đan phải tinh xảo và thời gian thực hiện khá dài khiến nhiều học viên không kiên trì nên dễ bỏ cuộc giữa đường. Do đó, ông luôn đau đáu với nghề, ngay cả trong bữa ăn, giấc ngủ, cũng trăn trở làm sao để truyền lại nghề cho thế hệ sau, giữ lửa cho nghề và yêu nghề nhiều hơn.

Bên cạnh đó, ông còn luôn tìm tòi, sáng tạo trong thiết kế mẫu để phát triển, hiện đại hóa nghề mây tre đan mà không làm mất đi những giá trị truyền thống vốn có của làng nghề. Nỗi niềm ấy đã thúc đẩy ông quyết tâm đổi mới và sáng tạo trong chế tác các sản phẩm mây, tre đan.

Nếu trước đó, làng Phú Vinh nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan có hình thù và màu sắc đơn giản… thì hiện nay các sản phẩm của “xứ Mây” được biến hóa, tạo hình đa dạng nhờ kết hợp với nhiều chất liệu như gốm, sứ, gỗ, sắt… Nhắc tới đây, gương mặt lão nghệ nhân rạng rỡ hẳn.

Ông Tĩnh chia sẻ, phải biết đổi mới theo thời đại để không tụt hậu, như vậy nghề mới sống, mới phát triển bền vững và lâu dài được. Nhưng đổi mới không đồng nghĩa với bỏ đi những nét đặc sắc vốn có của nghề đan mây, tre.

Ông Tĩnh nhiều lần nhấn mạnh, thiết kế có thể đa dạng theo xu hướng và yêu cầu của người đặt hàng nhưng cách đan truyền thống của làng Phú Vinh vẫn phải được giữ nguyên. Đó là cách để hòa nhập vào thị trường hiện tại mà không hòa tan vào vô số mặt hàng công nghiệp tương tự. "Đã là làng nghề truyền thống Phú Vinh thì chắc chắn sản phẩm phải mang dáng dấp lối đan đặc trưng của làng nghề Phú Vinh. Làm nguyên liệu thủ công trau chuốt là nét đặc biệt mà chỉ ở đây mới có.”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh khẳng định.

Nhìn vào thực tiễn, hiện nay các sản phẩm mây, tre đan đang ngày càng phổ biến nhờ chất liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các mặt hàng tương tự là điều không dễ đối với một sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc biệt là về sự đa dạng trong kiểu dáng và giá thành. Do vậy, khi thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã nắm bắt thời cơ để tham gia đánh giá, xếp hạng với mong muốn đây sẽ là bàn đạp đưa các sản phẩm mây, tre đan Phú Vinh đến gần hơn với thị trường.

Trong quá trình sản xuất, ông Nguyễn Văn Tĩnh luôn chú trọng đặt chất lượng lên hàng đầu. Theo ông, đó là điều kiện tiên quyết để nâng tầm một sản phẩm. Bởi vậy, không phụ sự hy vọng của lão nghệ nhân, các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh được hội đồng chuyên môn thành phố Hà Nội đánh giá cao, đạt chuẩn 4 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Đối với nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, niềm vui tuổi già không chỉ là con cháu sum vầy, gia đình hạnh phúc như bao người, mà còn là những khát khao, mong muốn gìn giữ và phát triển nghề đan mây tre truyền thống. Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn như xưa nhưng ông luôn quan niệm: “Mỗi nghệ nhân mây, tre đan phải luôn luôn sáng tạo, học hỏi không ngừng nghỉ để mở rộng và phát triển nghề hơn nữa.”

Gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh trong một không gian ngập tràn mây và tre, chúng tôi mới thấy rõ được sự gắn bó với công việc đan lát của người đàn ông đầu đã điểm bạc. Với những đóng góp của mình, lão nghệ nhân đã và đang từng bước “giữ lửa” và “truyền lửa để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nghề đan mây, tre Phú Vinh./.

TT (Nguồn Báo tin tức)