Chúng tôi đến thăm trang trại của ông Đặng Văn Nam ở thôn Duyên Ứng và nhận thấy rõ tính hiệu quả của mô hình này. Với quy mô 8.000 con gà đẻ trứng, trang trại đã mang lại sự thay đổi trong cuộc sống của gia đình ông. “Lam Điền là một trong những xã thuần nông của huyện Chương Mỹ, trước đây người dân chỉ quanh năm trồng lúa, ngô, khoai... đời sống rất khó khăn.
Khoảng năm 2015, khi xã thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình tôi mạnh dạn nhận thầu, đầu tư trang trại, phát triển chăn nuôi với lượng gà ban đầu chỉ khoảng 500 con. Để chăn nuôi có lãi, tôi đã tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, tham quan nhiều mô hình trang trại. Sau đó, tôi cùng gia đình cải tạo trang trại: Trồng cây xanh, phối hợp trồng trọt và chăn nuôi… Khi khó khăn dần qua, tôi đã tăng lượng nuôi lên khoảng 8.000 con gà đẻ trứng kết hợp trồng bưởi Diễn… Nhờ đó, mỗi năm trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng” - ông Đặng Văn Nam chia sẻ.
Tương tự, trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Luận ở thôn Lương Xá cũng phát triển ổn định. Trong khi các hộ chăn nuôi đau đầu vì bệnh Dịch tả lợn châu Phi thì trang trại của ông Luận vẫn duy trì tổng đàn 1.200 con lợn và khoảng 5.000-6.000 con gà. Chia sẻ về phương pháp chăn nuôi, ông Luận cho biết, trước hết phải quy hoạch hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học, đầu tư kỹ lưỡng từ kỹ thuật đến chăm sóc; lựa chọn con giống chất lượng tốt. Nuôi lợn trong môi trường khép kín, năng suất cao, thời gian tăng trưởng ngắn hơn so với nuôi đại trà. Đặc biệt, nhiệt độ ổn định giúp tránh được dịch bệnh, bảo đảm trọng lượng lợn xuất chuồng mà không cần thủ thuật vỗ béo, tích nước, tăng trọng bằng những chất cấm trong chăn nuôi. Từ khi chuyển sang chăn nuôi, gia đình tăng thêm thu nhập, nuôi con ăn học và xây dựng nhà cửa khang trang…
Nói về hiệu quả phát triển kinh tế của vùng quê Lam Điền khi chuyển từ thuần nông sang phát triển kinh tế trang trại, Phó Chủ tịch UBND xã Lam Điền Đặng Đình Bình cho biết, toàn xã đã chuyển đổi được 294ha sang chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Trong đó có 100 trang trại gà, 28 trang trại lợn, 649 mô hình vườn - ao - chuồng. Nhiều chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng cây trồng, vật nuôi gắn với quy trình, kỹ thuật sản xuất an toàn dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học. Nhiều hộ nuôi quy mô 1.000-2.000 con lợn/ lứa, 5.000-10.000 con gà/lứa… Nhìn chung, các trang trại phát huy hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập bình quân 300-500 triệu đồng/ ha/năm…
Để mô hình các trang trại tăng hiệu quả hơn nữa, ông Đặng Văn Mạnh, Trưởng thôn Duyên Ứng đề xuất: “Các trang trại chăn nuôi và mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng trên địa bàn xã Lam Điền tiếp tục phát huy hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, khoa học kỹ thuật, giúp nông dân chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang an toàn dịch bệnh theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sử dụng đất canh tác”.
Là người trực tiếp phê duyệt, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Lam Điền Đặng Tiến Dũng cho hay, việc các hộ dân đầu tư trang trại đã góp phần quan trọng trong thu ngân sách của địa phương. Dự kiến, năm 2019, tổng giá trị kinh tế của xã đạt 545 tỷ đồng, trong đó, trồng trọt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phấn đấu đạt hơn 45 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 48,6 tỷ đồng, góp phần đưathu nhập bình quân đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm; tạo điều kiện thuận lợi cho xã thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao vào năm 2020…/.
TT (Theo Báo HNM)