Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp lớn (trên 14.000ha), những năm qua huyện Chương Mỹ đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Chương Mỹ đã xây dựng các chương trình, đề án nông nghiệp chuyên canh tập trung theo vùng, xã trọng điểm gắn với chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thông qua các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung và xây dựng phát triển các chuỗi giá trị nông sản đã giúp người nông dân, các chủ trang trại tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích áp dụng VietGAP ngày một tăng, nông nghiệp sinh thái đã được chú trọng.
Nhằm thúc đẩy hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại góp phần phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững, vừa qua huyện Chương Mỹ đã tổ chức bình chọn và chấm điểm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đối với sản phẩm bưởi Chương Mỹ. Sản phẩm được bình chọn và tôn vinh phải mang tính đại diện cho vùng sản xuất tập trung hoặc trang trại đạt tiêu chí trang trại theo thông tư 27/TT-BNNPTNT và có khả năng phát triển mở rộng. Ông Hoàng Văn Thám – Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết: Chương Mỹ hiện có tổng diện tích trồng bưởi gốc Diễn là 561ha, vùng chuyên canh tập trung là 380ha tại 5 xã, riêng 2 xã Nam Phương Tiến và Trần Phú diện tích là 240,6ha. Thông qua việc bình chọn này, nhằm mục đích kết nối, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng của huyện với các doanh nghiệp, cơ sở tiêu thụ trên địa bàn Thành phố.
Năm 2017, 90% diện tích bưởi của huyện năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha, vùng sản xuất chuyên canh đạt 28 tấn/ha, sản lượng ước đạt 4.500 tấn, chất lượng quả bưởi đã được nâng lên rõ rệt. Tham gia bình chọn sản phẩm bưởi tiêu biểu huyện Chương Mỹ năm 2017 đòi hỏi các vườn bưởi phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất của huyện. Số lượng cây cho quả năm 2017 trên 100 quả, tỷ lệ cây cho quả đạt trên 80%. Tuổi cây từ 8 năm trở lên đối với cây ghép, từ 12 năm trở lên đối với cây trồng bằng hạt. Vườn bưởi phải có nhật ký ghi chép truy xuất nguồn gốc vật tư. Ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ trang trại trồng bưởi, Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ cho biết: Gia đình ông trồng bưởi từ năm 1998, hiện gia đình có 500 gốc bưởi, sản lượng năm 2017 đạt 5.000 quả. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ gia đình ông đã được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và thực hiện trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2012 – 2013. Theo ông Thọ, việc tham gia bình chọn sản phẩm nông nghiệp của huyện sẽ giúp cho gia đình ông cũng như các hộ trồng bưởi trên địa bàn huyện Chương Mỹ khẳng định được chất lượng sản phẩm đồng thời đây là cơ hội để các hộ, các trang trại trồng bưởi như gia đình ông tiếp cận với các doanh nghiệp, các chuỗi cửa hàng an toàn, qua đó, khâu tiêu thụ sản phẩm sẽ dễ dàng hơn, giá bán cũng cao hơn.
Hiện Hà Nội đã xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, chè an toàn, hoa chất lượng, các vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, các trang trại chăn nuôi lớn đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, VietGAP…, tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo vệ sinh ATTP đáp ứng phần nào nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục trồng trọt, việc Hà Nội đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có phát triển cây ăn quả đặc sản như cam, chuối, bưởi diễn gắn với vùng miền sẽ là hướng đi quan trọng giúp Hà Nội có thể thâm nhập vào thị trường xuất khẩu mặt hàng trái cây trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung gồm: Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; Đề án phát triển cây ăn quả chất lượng cao; Chương trình phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung. Trong đó, tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực: rau an toàn, bưởi VietGAP, lúa hữu cơ,… gắn với phát triển chuỗi giá trị để giải quyết tình trạng được mùa rớt giá thường xảy ra và xây dựng vùng nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu về thị trường nông sản chất lượng cao và đảm bảo ATTP./.
Lưu Phượng