Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Ba Vì: Nông dân đẩy mạnh thu hoạch lúa mùa bằng máy Gặt đập liên hợp

Mấy năm gần đây, đi suốt cánh đồng huyện Ba Vì trong mùa thu hoạch lúa mùa, bà con nông dân ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã sử dụng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí, thời gian trong thu hoạch lúa, đẩy nhanh tiến độ trồng cây màu vụ Đông . Khoảng 10 năm trước đây, người dân ở Ba Vì vẫn theo tập quán canh tác cũ là cấy và thu hoạch lúa theo phương pháp thủ công truyền thống.



Ở nhiều nơi, nông dân cũng thuê máy vò lúa, nhưng hiệu quả kinh tế và thời gian tiết kiệm trong khâu thu hoạch không được bao nhiêu. Từ khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nững chiếc máy gặt lúa liên hoàn xuất hiện ngày càng nhiều trên những cánh đồng tại Ba Vì và là một trong những “trợ thủ” đắc lực của nông dân ngày nay. Máy gặt đập liên hợp về làng, nay không còn lạ lẫm với người nông dân. Trong ký ức của nhiều nông dân Ba Vì, nếu như cách đây khoảng hơn 10 năm, phải mất vài tuần đến gần 1 tháng để thu hoạch hết diện tích lúa của một xã thì vài năm nay, bà con nông dân đã hoàn thành xong việc thu hoạch chỉ trong chưa đến 1 tuần nhờ máy gặt đập liên hợp. Hiện nay, loại máy tiên tiến, hiện đại nhất trên thị trường có công suất gặt một giờ thu hoạch được hơn 3.000 m2, tương đương gần một mẫu ruộng. Vào mùa gặt, tùy vào tình hình thời tiết và địa hình, trung bình mỗi một chiếc máy thu hoạch từ 2 - 3 ha lúa cho bà con, thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi ngày cho người làm dịch vụ. Chiếc máy này có thể hoạt động cả khi thời tiết mưa, đất bùn lầy, lúa ướt và trên nhiều loại địa hình nên cho hiệu suất cao, tiện dụng, giảm được nhiều công đoạn cho bà con.

Gia đình anh Phạm Độ ở xã Tòng Bạt có diện tích hơn 3 sào lúa cho biết “Gia đình tôi mấy năm qua luôn thuê máy gặt đập liên hợp, nếu như trước đây thuê máy vò thì một sào tôi phải thuê thêm người gặt, cuốn lúa, bình quân mỗi sào cũng phải mất 200 nghìn đồng. Thì giờ nay, tôi thuê máy gặt đập liên hợp, bản thân không phải gặt, không phải thuê người gặt, máy gặt đến đâu là lúa vào tải đến đó, rất thuận lợi cho việc phơi phóng sau này, tiết kiệm mỗi sào cũng khoảng 50 nghìn đồng so với trước đây”. Chị Phùng Thị Thúy ở xã Cẩm Lĩnh cũng cho biết “Gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp rất nhanh và thuận lợi cho gia đình tôi trong cả hai vụ Xuân và vụ Mùa, từ đó tôi không phải lo lắng nhiều cho việc thu hoạch so với trước đây”. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết “Ở xã miền núi Khánh Thượng, hiện nay khoảng hơn 80% bà con trong xã đã thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, rất thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Đông trên địa bàn xã”.

Đó là tâm sự của anh Độ, chị Thúy, nhiều hộ nông dân ở Ba Vì đều có cái nhìn chung về máy này. Trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch, nhiều gia đình phải huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình. Bây giờ, khi sử dụng máy gặt đập liên hợp, việc thu hoạch nhàn hơn rất nhiều, không chỉ tiết kiệm được thời gian, nhân công mà giảm được chi phí trong sản xuất.

Với khoản phí chi trả dịch vụ không quá lớn, việc sử dụng máy gặt đập liên hợp đã giúp tiết kiệm thời gian và sức lao động của nông dân trên đồng ruộng giảm đáng kể, trong khi năng suất và sản lượng lúa tăng, khiến người dân rất phấn khởi. Cùng với đó, nông dân đã nhận thức được sự phát triển và lợi ích từ những dịch vụ trong nông nghiệp, để từ đó từng bước hiện đại hóa việc làm lúa từ khâu gieo trồng đến thu hoạch.

Trong nhiều năm qua, UBND huyện Ba Vì đã triển khai tốt việc hỗ trợ nhiều chương trình cho các Hợp tác xã trong việc mua máy gặt đập liên hợp, nhưng quan trọng nữa là nhiều cá nhân trong huyện đã chủ động mua máy gặt loại này để phục vụ nhu cầu thu hoạch cho bà con nông dân trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

Nhiều xã khu vực ven sông, đồi gò, tỷ lệ nhân dân thuê máy gặp đập liên hợp đạt hơn 90% trở lên, tỷ lệ ở các xã miền núi cũng đạt hơn 80%.

Hiện nay với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ gặt lúa vụ mùa, đẩy mạnh sản xuất cây trồng vụ Đông, thì việc áp dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa mùa, đang là lựa chọn tối ưu mà rất nhiều nông dân ở các xã, thị trấn thực hiện.

Hồng Đạt (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Ba Vì)