Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng phát triển kinh tế mới từ khoai tây giống Đức

Vụ Đông 2023 - 2024, khoai tây giống Marabel (Đức) lần đầu được trồng thử nghiệm trên đồng đất huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Đánh giá cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại là rất tích cực.



1 sào thu về gần 4,7 triệu đồng

Vụ Đông những năm gần đây, nông dân nhiều xã thuộc huyện Sóc Sơn vẫn gắn bó với cây ngô tẻ. Cây trồng này cho năng suất khoảng 180kg/sào. Trừ chi phí đầu vào, bà con thu lãi 860.000 đồng/sào.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vụ Đông 2023 - 2024, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn đã triển khai chương trình hỗ trợ vùng sản xuất khoai tây tập trung theo hướng an toàn VietGAP, sử dụng giống Marabel (Đức).

Vùng trồng thuộc 6 xã được lựa chọn thí điểm gồm: Hiền Ninh, Đông Xuân, Xuân Giang, Xuân Thu, Tiên Dược và Đức Hoà. Tổng diện tích triển khai mô hình trồng khoai tây giống Marabel là 31,5 ha.

Khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 50% chi phí mua giống khoai tây Marabel, với định mức là 1.260kg/ha. Bên cạnh đó, các nông hộ còn được tập huấn, tư vấn kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất.

Cán bộ khuyến nông cũng theo dõi sát tình hình sâu bệnh để hướng dẫn bà con cách thức phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Quá trình theo dõi cho thấy, khoai tây giống Marabel có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng bật mầm khoẻ, độ đồng đều cao, và đặc biệt là khả năng thích ứng rộng với các mô hình thổ nhưỡng.

Theo đánh giá sơ bộ tại các vùng trồng, năng suất bình quân của giống khoai tây Marabel đạt từ 600 - 700kg/sào, tương ứng 16,8 - 19,6 tấn/ha. So với sản xuất ngô tẻ truyền thống, 1 sào trồng khoai tây giống nhập khẩu từ Đức sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn 3,78 triệu đồng (tương ứng 105 triệu đồng/ha).

Cần thêm hỗ trợ cho người nông dân

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Văn Binh, kết quả đánh giá năng suất cho thấy khoai tây giống Marabel mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với cây ngô tẻ truyền thống mà bà con thường canh tác những vụ Đông trước đây.

Từ thực tế trên, UBND huyện Sóc Sơn đã giao Phòng Kinh tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và UBND các xã quan tâm, hỗ trợ mở rộng diện tích vùng trồng khoai tây giống nhập khẩu từ Đức theo hướng VietGAP.

“Những sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước là rất quan trọng để có thể nhân rộng được mô hình trồng khoai tây Marabel theo hướng VietGAP. Bởi dù mang lại hiệu quả cao nhưng suất đầu tư cho 1 sào khoai tây tương đối lớn, lên tới 2,56 triệu đồng/sào, trong đó chủ yếu là tiền đầu tư giống (hơn 1 triệu đồng/sào)…” - ông Phạm Văn Binh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô tẻ sang khoai tây giống nhập khẩu từ Đức sẽ giúp nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp của địa phương.

“Thời gian tới, bên cạnh khuyến khích nông dân tham gia sản xuất, mở rộng vùng trồng khoai tây giống Marabel theo hướng VietGAP, huyện sẽ tiếp tục đầu tư cứng hoá hạ tầng phục vụ nông nghiệp, đẩy mạnh đưa cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất, nhằm giải phóng sức lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế cho bà con” - ông Đỗ Minh Tuấn thông tin thêm.

Trong phạm vi nguồn lực có hạn, đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trang thiết bị máy móc, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là hỗ trợ đầu tư cơ giới hoá đồng bộ các khâu trong sản xuất đến chế biến, sấy, bảo quản, đóng gói sau thu hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy suất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị từ cây khoai tây./.

NT (Theo Báo KTĐT)