- Tác hại của chuột.
Chuột là đối tượng dịch hại quan trọng; chuột gây hại cây trồng, vật nuôi, nông sản bảo quản trong kho, công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng, các công trình văn hóa, phá hại các vật dụng trong gia đình,... đặc biệt chuột còn là môi giới lây truyền bệnh nguy hiểm cho người như bệnh dịch hạch,...
- Đặc tính sinh vật học của chuột.
- Chuột có nhiều chủng loại và số lượng rất lớn. Chuột rất tinh ranh, đa nghi, di chuyển rộng, sinh sản nhanh, khả năng thiết lập quần thể rộng.
- Chuột có thói quen mài răng nên thiệt hại do chuột gây ra lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thức ăn của chuột.
- Các biện pháp phòng trừ chuột hại.
Căn cứ vào đặc điểm sinh học của chuột và điều kiện cụ thể để phòng trừ chuột hiệu quả cần phải tiến hành thường xuyên và áp dụng tổng hợp các biện pháp diệt chuột.
Biện pháp thủ công:
- Sử dụng bẫy bán nguyệt: Căn cứ vào đặc điểm của chuột và thời điểm thích hợp trên đồng ruộng (cánh đồng do bị ngập lụt, ruộng sau thu hoạch hết thức ăn, vào đầu các vụ sản xuất khi lấy nước làm đất chuột sẽ bị hết thức ăn và thu hẹp nơi cư trú).
- Sau thời gian tổ chức chiến dịch diệt chuột tiếp tục điều tra và tổ chức diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt ở những diện tích chuột còn gây hại.
- Bẫy keo dính: Sử dụng trong khu dân cư nơi chuột hay qua lại.
Biện pháp sinh học:
Duy trì và phát triển đàn mèo; phổ biến cho nông dân không săn bắt, giết thịt các thiên địch của chuột có trong tự nhiên như rắn, trăn, chim,... Hạn chế dùng các loại thuốc diệt chuột có độ độc cao có thể gây hại cho các loài thiên địch của chuột như mèo, chó,…
Biện pháp hóa học
- Chuột có khả năng nhận biết được vị của thức ăn mà không cần ngậm thức ăn trong miệng, do răng của chúng chìa ra rất dài. Chuột rất nghi kị thức ăn lạ, những địa điểm lạ. Chuột bao giờ cũng nếm thử loại thức ăn trước khi chúng ăn nhiều. Vì vậy, nên chú ý khi sử dụng những loại thuốc diệt chuột có độ độc cấp tính cao.
- Sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc diệt chuột thuộc nhóm chết chậm, chống đông máu, thuốc ít độc hại cho người và động vật máu nóng, bảo vệ được thiên địch của chuột. Không gây hiện tượng chuột tránh bả.
- Điều tra diện tích chuột hại, xác định mức độ và địa điểm chuột hại để phân bố lượng mồi bả, bố trí lượng người rải bả hợp lý.
- Thời điểm diệt chuột tập trung từ 05/7/2021 đến 15/7/2021: giai đoạn lúa mới cấy đến đẻ nhánh.
- Cách làm bả với thuốc có hoạt chất Bromadiolone:
+ Sử dụng thóc luộc nứt vỏ trấu hoặc thóc ngâm mọc mầm làm mồi.
+ Trộn đều 10g thuốc với 400-500g mồi; mồi khi trộn phải đủ ẩm để thuốc dính vào mồi. Trung bình 100g bả chia thành 4-5 phần rải trên 01 sào Bắc bộ hoặc 01 hộ trong khu dân cư (tùy theo mức độ hoạt động của chuột để tăng hoặc giảm lượng bả).
- Cho bả vào túi nilon nhỏ hở một đầu (sử dụng loại túi nilon sinh học tự hủy) để tránh rửa trôi thuốc do mưa, sương hoặc nước thấm lên từ đất,...
- Thời gian rải bả: Phải theo dõi thời tiết để quyết định ngày rải bả. Rải bả vào xế chiều, kết thúc trước khi trời tối.
- Sau rải bả 3 - 5 ngày tiến hành kiểm tra trên đồng ruộng để thu gom chuột chết và mồi bả.
Chú ý: Các biện pháp hóa học hiện tại vẫn được dùng ở các chiến dịch diệt chuột hoặc khi chuột phát triển với mật độ cao cần giảm mật độ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên chúng ta cần hạn chế dùng thuốc có độ độc cấp tính vì nó rất độc hại với người và động vật. Khi dùng phải cẩn thận, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sử dụng thuốc và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn./.
TX (TH)