Nét mới trong nghề chăn nuôi vịt đẻ ở Ngũ Lão là, trên địa bàn xã đã hình thành mô hình liên kết chăn nuôi vịt theo quy mô chi hội nghề nghiệp. Bước đầu chi hội đã quy tụ được 39 hội viên tham gia, với tổng đàn vịt nuôi thường xuyên hơn 120 nghìn con, bình quân mỗi hội viên nuôi 3.000 con vịt đẻ, một số hội viên đã nuôi tới 7 - 8 nghìn vịt đẻ.
Ông Ngô Đức Thắng là sáng lập viên, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp Chăn nuôi vịt đẻ xã Ngũ Lão cho biết: Chi hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, trong đó các thành viên đã thống nhất đề ra các quy định để cùng thực hiện như: Tuân thủ chặt chẽ qui trình chăn nuôi vịt an toàn sinh học. Trợ giúp nhau mua vật tư sản xuất đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Chia sẻ các thông tin thị trường có được, và kinh nghiệm chăn nuôi vịt đẻ. Hỗ trợ nhau mở rộng quy mô sản xuất và chia sẻ rủi ro chăn nuôi nếu có...
Qua tìm hiểu thực tế, một vài thành tựu nổi bật của Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Ngũ Lão trong thời gian gần đây là: 6 tháng đầu năm 2018, chi hội đã chế biến và cung ứng cho các hội viên được hơn 4.000 tấn thức ăn chăn nuôi. Tái đàn thêm được trên 40 nghìn con vịt đẻ các loại. Sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 10 triệu con vịt giống. Doanh thu ước đạt 70 tỷ đồng, lợi nhuận 45 tỷ.
Theo anh Ngô Văn Minh (thành viên Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Ngũ Lão): Sở dĩ sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao như trên là do, các thành viên trong chi hội đã cùng nhau góp vốn, mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thô (ngô hạt, khô dầu đậu, bột cá nhạt và các khoáng chất khác). Sau đó hợp đồng thuê nhà máy chế biến thành thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh cho các hội viên. Nên đã giảm được 12 - 15% chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi vịt, so với mua trực tiếp cám công nghiệp từ các công ty chuyên doanh. Mặt khác, nhờ làm chủ được nguồn ngyên liệu chế biến, nên chất lượng thức ăn chăn nuôi luôn ổn định, giúp cho các đàn vịt bố mẹ sinh sản đều hơn, năng suất trứng đạt cao, tỷ lệ trứng đủ tiêu chuẩn ấp nở cao, giúp gia tăng thêm lợi nhuận từ 18 - 20%.
Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, các thành viên trong chi hội đã chia sẻ, giúp nhau kịp thời nhiều bí quyết chăn nuôi vịt đẻ như: Với con vịt nuôi hậu bị: Ở giai đoạn 1 tháng tuổi cần cho ăn tốt, nhằm thúc cho con giống tăng trọng nhanh, trường mình, kháng bệnh tốt. Trong tháng thứ 2 chỉ cho ăn đủ, để cơ thể vịt săn chắc, không phát sinh mỡ. Từ tháng thứ 3 - 5 cho ăn đói, để vịt rèn luyện sức dẻo dai. Sang tháng thứ 6 cần cho ăn đủ (220 - 230g cám/1 con/1 ngày), loại cám chuyên dùng cho vịt đẻ.
Cần chú ý ngay từ tháng thứ 5, đã phải tăng thời lượng chiếu sáng cho vịt nuôi lên 16 - 18h/ngày. Khi vịt hậu bị đủ 6 tháng tuổi, mới khai thác trứng đưa vào lò ấp nở. Trước đó đàn vịt phải được phòng ngừa đủ 3 loại vắc xin tả, tụ huyết trùng và cúm gia cầm. Trong quá trình vịt đẻ, cần dừng tiêm phòng các loại vacxin. Vào những ngày thời tiết thay đổi, khi giao mùa, cần bổ sung kháng sinh phòng tả vào thức ăn hoặc nước uống cho vịt. Sau uống kháng sinh có thể cho uống thêm thuốc giải độc gan.
Chú ý theo dõi loại bỏ kịp thời các con gầy yếu, đẻ ít. Chuồng trại phải được rửa sạch 3 lần/ngày, và định kỳ hàng tuần tẩy trùng bằng formol hoặc vôi bột. Nước ao chăn thả vịt cũng phải đảm bảo vệ sinh, bằng định kỳ thay mới nước hoặc xử lý bằng nước vôi. Khi thấy vịt kém ăn, dừng ăn, phải kiểm tra và xin tư vấn bác sĩ thú y ngay.
Nhờ có các giải pháp chăn nuôi nói trên, mà từ đầu năm đến nay, gia đình anh Minh cũng như các thành viên khác trong chi hội đều đã “bỏ ống” được trên dưới 1 tỷ đồng./.
NT (Theo NNVN)