Hội thảo được trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội với sự tham dự của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT, đại diện UNIDO và trực tuyến tại các Sở Nông nghiệp & PTNT, các doanh nghiệp, hiệp hội, hội, Hợp tác xã, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… trên cả nước.
Tại hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ những nội dung về nhu cầu và xu hướng thế giới về than sinh học (TSH), cụ thể tại Việt Nam; TSH và các mô hình ứng dụng TSH trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kinh tế tuần hoàn TSH từ vỏ cà phê ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển TSH tại Việt Nam… Phân TSH được tạo ra từ các loại phế phẩm trong nông nghiệp bỏ đi và lượng phụ phẩm nông nghiệp rất lớn trong trồng trọt trên 120 triệu tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để làm TSH. Theo đó, TSH có đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; đẩy mạnh quá trình rửa trôi muối, ức chế sự xâm nhập của Na+ cải thiện và phục hồi đất nhiễm mặn, tăng sức chống chịu của cây trồng; tăng giữ nước, giữ dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, việc sử dụng TSH trong trồng trọt cho thấy việc bón phân TSH sản xuất từ nguồn phụ phẩm rơm rạ, trấu, lõi bắp, thân, lá, cành các loại cây trồng… có sẵn làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính... Hội thảo cũng đã có một vài ý kiến của các đại biểu về việc cần so sánh, đánh giá lại hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư… mà quá trình làm TSH mang lại so với các cách làm khác như ủ phân từ vỏ cà phê…
Qua hội thảo đã nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của TSH trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết nối và hợp tác để thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam, trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và TSH giá trị./.
Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng