Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoài Đức nâng giá trị nông sản thế mạnh

Những năm gần đây, huyện Hoài Đức tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, giá trị cao với các sản phẩm rau, quả có lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, huyện khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), nông hộ đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm.



Tại xã Kim Chung, từ năm 2015, nhiều nông hộ đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả ổi và táo cho thu nhập khá. Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn kết Nguyễn Đắc Ý chia sẻ, toàn xã có 34,3ha trồng ổi Đài Loan, ổi Thái Lan, táo đại, táo đào. Người dân đã chủ động học hỏi, tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên ổi, táo có chất lượng tốt, cùi dày, giòn, ngọt được thị trường ưa chuộng. Nhiều vườn trồng ổi, táo cho giá trị thu nhập trung bình từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên) Nguyễn Văn Hào cho biết, HTX có khoảng 500 hộ xã viên tham gia trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích hơn 33 ha. Do thâm canh tốt nên mỗi năm, các xã viên có thể sản xuất được 7 vụ. Mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường 12 - 15 tấn rau các loại thông qua một số công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, vùng trồng rau trên địa bàn huyện đã có từ nhiều năm trước, những năm gần đây, huyện và Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã đầu tư một số dự án phát triển rau an toàn, rau sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đối với diện tích trồng cây ăn quả, huyện tập trung phát triển các loại quả chất lượng cao, sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ, tiêu chuẩn xuất khẩu như: Bưởi Cát Quế, bưởi La Tinh, nhãn chín muộn tại các xã vùng bãi: Song Phương, An Thượng, Đông La, Dương Liễu. Đặc biệt, Hoài Đức phát triển sản xuất hoa lan với diện tích 5 ha tại 2 xã Đông La và An Thượng. Hoa lan được trồng bằng giống nuôi cấy mô cho hiệu quả kinh tế đạt trên 250 triệu đồng/sào.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, đến nay, toàn huyện có 2.000 ha rau, hơn 1.000 ha cây trồng giá trị cao (Bưởi, nhãn chín muộn, cam, ổi, táo), 200 ha phật thủ và 5 ha hoa lan. Huyện có 4 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, bưởi đường Quế Dương, Cam đường Canh, phật thủ Đắc Sở và rau an toàn Tiền Lệ. Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao an toàn gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ. Trên cơ sở các loại nông sản thế mạnh đã được cấp nhãn hiệu tập thể, huyện có 12 cơ sở sản xuất tham gia chuỗi liên kết với các DN, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm gắn truy xuất nguồn gốc (63 sản phẩm). Đây là thuận lợi để địa phương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy nông dân đầu tư sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao./.

NT (Theo KTĐT)