Năm 2010 ông bắt tay vào đầu tư nuôi dê. Ban đầu do vốn ít, kinh nghiệm chưa có nên ông Nhàn không dám nuôi nhiều. Với 5 con dê mẹ được mua tại địa phương (giống dê Bách Thảo) với giá mua lúc đó 70.000 đồng/kg. Sau khi có dê giống ông đã đến học hỏi về kỹ thuật nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng tại những hộ đã nuôi trong vùng và các xã lân cận. Nhờ đó mà chẳng bao lâu sau ông đã nắm được kiến thức nuôi. 5 con dê sinh trưởng và phát triển tốt, được phối giống, sau nửa năm số dê của gia đình ông đã nhân lên gấp đôi.
Ông Nguyễn Văn Nhàn chia sẻ, dê là con vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, tuy nhiên để đạt được hiệu quả kinh tế, người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng cho đến việc theo dõi, quản lý chăm sóc đàn dê. Chuồng nuôi dê được làm đơn giản nhưng đảm bảo chắc chắn, thuận lợi cho việc quét dọn vệ sinh khu vực nuôi, đảm bảo cho khu vực nuôi luôn sạch sẽ. Dê là loài ăn tạp nên thức ăn của dê là các loại cây rừng, lá rừng. Hàng ngày cứ 8 giờ sáng là ông Nhàn lại lùa đàn dê của gia đình mình ra khu đồi núi rộng bạt ngàn phía sau ngôi nhà để thả, đến chiều tối đàn dê được đưa về chuồng nhốt và cho ăn thêm thức ăn như cám ngô, cám gạo để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho dê giúp dê nhanh lớn và phát triển tốt.
Qua 8 năm nuôi đàn dê của ông hiện giờ tổng là 60 con (trong đó có 20 dê mẹ). Trong quá trình nuôi ông nhận thấy dê là loài ít bệnh nên tỷ lệ hao hụt thấp. Thông thường dê hay mắc bệnh tiêu chảy. Cách phòng bệnh là người nuôi theo dõi chúng hàng ngày, không cho dê ăn thức ăn ướt, vệ sinh chuồng trại và định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc-xin để phòng bệnh.
Nhờ làm tốt khâu chăm sóc nên hàng năm dê sinh sản 2 lứa, mỗi lứa dê đẻ từ 1 – 2 con. Sau 6 – 8 tháng nuôi dê đạt trọng lượng 20 – 25 kg mới có thể xuất chuồng. Với giá bán như hiện nay với dê giống 100.000 – 110.000 đồng/kg và dê thịt 120.000 – 130.000 đồng/kg. Như năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn xuất ra thị trường hơn 3 tạ dê thương phẩm đem lại lợi nhuận 70 – 80 triệu đồng. Còn như năm nay, 4 tháng đầu năm gia đinh bán được 4 con dê đem lại nguồn thu gần 20 triệu đồng.
Gia đình ông dự định nhân rộng đàn dê lên khoảng 100 con và mở rộng thêm chuồng trại. Mô hình nuôi dê đã giúp gia đình ông Nhàn thoát nghèo, tính ra, nuôi dê lãi hơn nhiều so với các vật nuôi khác, không tốn nhiều chi phí thức ăn, nhanh thu hồi vốn, không sợ ế hàng vì theo nhu cầu của thị trường hướng tới những sản phẩm sạch thì dê thịt được lựa chọn để phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho gia đình./.
TT (Nguồn TTKNQG